Lịch sử, động cơ và chiến lược đằng sau khẩu hiệu “hòa giải, hòa hợp dân tộc” của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

 

Mỗi tháng một lần, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam lại tổ chức một “lễ cầu nguyện vì Công lý và Hòa bình”. Buổi lễ này thường được tổ chức ở hai đầu cầu, là nhà thờ Kỳ Đồng ở TP.HCM và nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội. Khi dự lễ này, giáo dân sẽ được nghe một bài giảng mang tính chất diễn văn chính trị, mà các linh mục đưa ra trên danh nghĩa “lên tiếng trước các bất công xã hội”, “lên tiếng vì công lý và hòa bình”. Sau khi nghe giảng, giáo dân sẽ cùng thắp nến cầu nguyện cho một chủ trương hoặc mục tiêu chính trị mà các linh mục nêu trong bài giảng.

Vào lúc 8h tối ngày 29 tháng 4 năm 2018, tại nhà thờ Thái Hà, Hà Nội, Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) Việt Nam đã tổ chức một “lễ cầu nguyện vì Công lý và Hòa bình” để kỷ niệm 43 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam (30 tháng 4 năm 1975 – 30 tháng 4 năm 2018). Trong bản thông báo được đăng tải hai ngày trước buổi lễ, họ mô tả chủ đề của buổi lễ như sau [1]:

“Trong ý thức trách nhiệm của một Kitô hữu phải đồng hành với những vui buồn của dân tộc mình; trong sứ mạng phải trở nên những người hòa giải, hòa hợp với hết thảy mọi người không phân biệt chính tà, giai cấp, không phân biệt vùng miền như Chúa đã truyền dạy, thánh lễ cầu nguyện cho công lý – hòa bình cuối tháng Tư (…) có các ý chỉ sau đây:

– Cầu cho nhà cầm quyền biết lắng nghe tiếng nói của người dân, sẵn sàng “cải cách cơ cấu” để cùng người dân xây dựng một quốc gia dân chủ, giầu mạnh;

– Cầu cho mọi công dân Việt Nam biết nhận thức cách đúng đắn về trách nhiệm lịch sử của mình, bỏ qua quá khứ tỵ hiềm, cùng bắt tay xây dựng một Việt Nam mới giầu đẹp”.

Trong buổi lễ, linh mục Trịnh Ngọc Hiên, chánh xứ Thái Hà, đã đọc một bài giảng kêu gọi xét lại lịch sử, tự sám hối, để thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, nhằm “thống nhất về mặt nhân tâm”, “cùng mơ một giấc mơ chung về một Việt Nam hùng mạnh, độc lập, tự cường” [2].

Nhìn tổng thể, thì buổi lễ của DCCT Thái Hà không phải là một sự kiện đơn lẻ và lạc lõng. Nó nằm trong làn sóng dư luận xoay quanh vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc sau cuộc chiến tranh Việt Nam, được khơi lên vào cuối tháng 4 năm 2018. Làn sóng này lấy cảm hứng từ hai sự kiện diễn ra gần như cùng lúc: hội nghị liên Triều nhằm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, diễn ra vào ngày 27 tháng 4 năm 2018, và dịp kỷ niệm ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam (30 tháng 4). Những người tham gia sóng dư luận này tuyên truyền rằng người Việt Nam nên học hỏi người Đức và Triều Tiên, vì hai miền nước Đức và nước Triều Tiên đã thống nhất mà không cần đến bạo lực.

Trong tuần lễ cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2018, bài giảng của linh mục Trịnh Ngọc Hiên và luồng dư luận cùng chiều đã khơi nên ba dạng phản ứng chính:

_ Những người ủng hộ cho rằng phải xét lại lịch sử – để không nhìn ngày 30 tháng 4 như một chiến thắng của dân tộc, để công nhận những di sản của chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH), và để bù đắp mất mát của những người từng theo phe VNCH.

_ Các website, blog, hội đoàn ủng hộ đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng bài giảng của linh mục Trịnh Ngọc Hiên là một âm mưu xuyên tạc lịch sử – khi phủ nhận chiến thắng chống quân xâm lược của toàn dân tộc, phủ nhận truyền thống anh dũng chống ngoại xâm, phủ nhận công lao của chủ nghĩa xã hội và đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai “Ngụy”.

_ Một bộ phận giới trẻ cho rằng họ không liên quan đến cuộc xung đột của thế hệ trước, nên không phải quan tâm đến chuyện hòa giải. Họ cũng cho rằng các mâu thuẫn mà chiến tranh Việt Nam để lại sẽ tự biến mất khi thế hệ cũ đã qua đời.

Thành viên của ba luồng phản ứng vừa kể có ký ức cá nhân và ký ức tập thể khác nhau, quyền lợi chính trị khác nhau, và sử dụng những hệ giá trị, hệ kiến thức khác nhau để tranh luận, suy nghĩ. Vì vậy, cuộc tranh luận không ngã ngũ, mà chỉ có tác dụng như một chiến dịch tuyên truyền, để lôi kéo thêm người vào các phe tham chiến.

Đặc biệt, các tổ chức “cờ vàng” ở hải ngoại không hề phản bác bài giảng của linh mục Trịnh Ngọc Hiên, dù cách đây chỉ khoảng 5 năm, họ sẵn sàng đấu tố bất cứ ai đưa ra thông điệp “hòa giải, hòa hợp dân tộc”.

Tôi không thuộc về cả ba luồng phản ứng trên. Tôi không đồng ý với cách làm của phe “cờ đỏ” hoặc phe “cờ vàng”, theo đó họ cố áp đặt ký ức tập thể và hệ chuẩn mực riêng của phe mình lên người của các phe khác. Tôi cũng không đồng ý với quan điểm của nhiều người trẻ, rằng hận thù của thế hệ trước không liên quan đến thế hệ sau, và không ảnh hưởng đến đất nước trong tương lai. Nhìn hoạt động của các nhóm thanh niên “cờ đỏ” và “cờ vàng”, ở cả trong nước lẫn hải ngoại, có thể thấy hận thù dễ lây từ thế hệ trước sang thế hệ sau, rồi tiếp tục định hình tương lai đất nước.

Thay vào đó, trước khi phán xét bài giảng của linh mục Trịnh Ngọc Hiên, tôi xin phép nhìn lại dòng sự kiện, để xác định lịch sử, động cơ và chiến lược đằng sau khẩu hiệu “hòa giải, hòa hợp dân tộc” mà ông Hiên giảng.

Các dữ kiện được xem xét trước khi đưa ra kết luận sẽ bao gồm năm phần:

Một, là quan hệ của DCCT Việt Nam với hai phe trong cuộc chiến tranh Việt Nam, từ ngày đất nước bị chia cắt cho đến thời điểm hiện tại.

Hai, là thái độ của DCCT Việt Nam đối với vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, trong cùng timeline trên.

Ba, là những hoạt động mà DCCT thực hiện để tưởng niệm những người chết và hỗ trợ những người bị thương trong chiến tranh Việt Nam.

Bốn, là nội dung bài giảng của linh mục Trịnh Ngọc Hiên.

Năm, là những lợi ích mà DCCT đang theo đuổi trong thời điểm hiện tại, và công dụng của khẩu hiệu “hòa giải, hòa hợp dân tộc” trong việc theo đuổi những lợi ích đó.

 

I. Quan hệ của DCCT Việt Nam với hai phe trong cuộc chiến tranh Việt Nam, từ năm 1954 đến thời điểm hiện tại

Nếu nhìn toàn bộ dòng thời gian, ta sẽ thấy từ thập niên 1950 đến nay, DCCT Việt Nam luôn có thù với phe Cộng sản, và luôn ủng hộ phe Việt Nam Cộng hòa.

 

1. Hận thù với phe Cộng sản

Vào cuối thập niên 1950, trước khi đất nước bị chia cắt, DCCT đang là một dòng tu có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam. Linh hồn của dòng tu này là bộ phận truyền thông, thực hiện tờ báo “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Từ năm 1949 đến năm 1954, khi tỉ lệ người Việt Nam biết chữ còn rất thấp, lượng in của mỗi số báo “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” tăng từ 1000 lên 50.000. Trong giai đoạn này, chủ bút của báo là linh mục Vũ Ngọc Bích.

Năm 1954, khi Việt Nam bị chia đôi do hiệp định Geneva, có khoảng 1 triệu người miền Bắc di cư vào Nam, trong đó có 800.000 người Công giáo. Mọi dòng tu ở miền Bắc đều di tản, chỉ trừ một số đại diện của DCCT ở Thái Hà (Hà Nội). Số ở lại bao gồm hai linh mục người Canada, linh mục Vũ Ngọc Bích, và hai tu sĩ người Việt. Trong số này, hai linh mục người Canada lần lượt bị trục xuất vào các năm 1958 và 1959, cùng những linh mục ngoại quốc cuối cùng ở miền Bắc. Hai tu sĩ người Việt đều bị bắt đi tù vào đầu thập niên 1960, trong đó có một người chết trong tù. Kết quả là sang thập niên 1960, chỉ còn linh mục Vũ Ngọc Bích ở lại tu viện của DCCT ở Thái Hà, Hà Nội [3].

Vào thời điểm đó, tu viện Thái Hà có một khu đất rộng 61.455 m2, gồm nhà thờ, nhà dòng, nhà sinh hoạt chủng sinh cao 3 tầng, và một tòa nhà khác. Theo lời kể của linh mục Vũ Ngọc Bích vào năm 2002, thì chính quyền miền Bắc đã nhiều lần “ép” ông Bích phải ký giấy nhường đất nhà thờ để xây bệnh viện, nhà xưởng. Kết quả là từ năm 1996, khu đất của DCCT Thái Hà chỉ còn 2700 m2.

Cũng từ năm 1954, chính quyền miền Bắc không cho phép DCCT Thái Hà tiếp tục đào tạo tu sĩ, linh mục. Phải đến năm 1987, nhân sự của dòng mới phát triển trở lại qua việc nhận một số tu sĩ vào tu “chui”. Đến năm 1993, nhờ hồng y Phạm Đình Tụng can thiệp, tu sĩ Trịnh Ngọc Hiên mới từ miền Nam ra phục vụ Thái Hà, và được phong linh mục sau đó một năm [14].

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Truyền thông Chúa Cứu thế bị buộc giải thể, đến năm 1998 mới hoạt động chui trở lại, và năm 2005 mới được hoạt động chính thức.

Truyền Thông Chúa Cứu thế trong giai đoạn này, và DCCT Việt Nam từ năm 2008 đến nay, có thể xem là sản phẩm của ông Vũ Khởi Phụng. Ông Phụng là chủ bút báo “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” giai đoạn 1970 – 1975, và là người giữ chức Bề trên tu viện Thái Hà từ năm 2008 đến khi ông mất. Và bản thân ông Phụng cũng là người có thù với chính quyền miền Bắc Việt Nam. Bố ông là tù chính trị từ năm 1946 đến năm 1973, và sau năm 1975, em trai ông cũng bị đi tù cải tạo trước khi di tản. Vì không được cấp phép ra ngoài Bắc, ông Phụng phải tiếp tục sống xa gia đình cho đến năm 1990.

Từ năm 2008, khi ông Vũ Khởi Phụng nhậm chức Bề trên tu viện DCCT Thái Hà, nhà thờ Thái Hà liên tục tổ chức những hoạt động đối đầu chính quyền. Ban đầu, họ tổ chức nhiều cuộc biểu tình, có lúc bùng phát thành bạo lực, để đòi lại các khu đất đã mất. Sau đó, họ bắt đầu đưa chính trị vào trong các bài giảng, mở “Văn phòng Công lý & Hòa bình” để móc nối với những nhóm nông dân khiếu kiện đòi đất, cho các hội đoàn chính trị đối lập mượn phòng ốc để tổ chức sự kiện, và cung cấp cho họ các lớp huấn luyện về báo chí – truyền thông. Vào thời điểm hiện tại, các báo điện tử của “Truyền thông Chúa Cứu thế” Việt Nam đều là báo chính trị đối lập.

Như vậy, trong suốt dòng lịch sử, DCCT Việt Nam chưa bao giờ có quan hệ thân thiện với chính quyền miền Bắc Việt Nam. Không những vậy, dòng này còn là tổ chức Công giáo chịu nhiều thiệt hại nhất từ chiến tranh Việt Nam, và luôn cho rằng chính quyền còn nợ họ, cả về danh dự, mạng người lẫn vật chất. Khi một người vừa đòi nợ, vừa kêu gọi hòa giải, có thể họ chỉ dùng thông điệp hòa giải để che giấu cuộc xiết nợ của mình.

 

2. Duyên nợ với phe Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975

Trong khi DCCT Việt Nam chịu nhiều thiệt hại vì chế độ miền Bắc, thì họ lại gặp rất nhiều thuận lợi trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Những thuận lợi này đến từ một thực tế, rằng từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm – một người Công giáo có anh trai giữ chức giám mục – chế độ VNCH đã luôn ưu tiên Công giáo, và thường xuyên đàn áp Phật giáo.

Khi đất nước chia cắt vào năm 1954, tòa soạn của tờ “Đức Mẹ hằng Cứu giúp” của DCCT được chuyển từ Thái Hà, Hà Nội vào Kỳ Đồng, Sài Gòn. Ngoài các nhà văn Công giáo, ban biên tập mới của tờ báo cũng bao gồm nhiều nhà văn của quân đội miền Nam. Trong thập niên 1960 và 1970, tủ sách Tuổi Hoa và chương trình “Mỗi quân nhân, một Thánh kinh” là hai sản phẩm truyền thông của DCCT Kỳ Đồng được đông đảo giới trẻ và quân nhân miền Nam Việt Nam biết đến [3].

Năm 1963, linh mục Chân Tín, một người có quan điểm chính trị trung lập, được bổ nhiệm làm giám đốc tờ “Đức Mẹ hằng cứu giúp”. Vì quan điểm trung lập của ông Tín không được ưa thích bởi những người Công giáo ở miền Nam Việt Nam, nhất là những người di cư từ miền Bắc vào, ông làm cả tờ báo bị độc giả phản đối. Vì vậy, ông phải bàn giao lại tờ báo cho một linh mục khác.

Qua hai chi tiết này, có thể thấy trong giai đoạn 1954 – 1975, DCCT Việt Nam có nhân sự và lợi ích gắn chặt với chế độ VNCH. Sự gắn bó này lớn đến nỗi cơ quan truyền thông của dòng đã không thể chấp nhận một giám đốc mang quan điểm chính trị trung lập, không nghiêng hẳn về hướng chống Cộng.

Hiện nay, DCCT Thái Hà vẫn có nhiều hoạt động gắn với chế độ VNCH. Như phần sau của bài sẽ chỉ ra, dòng thường xuyên phối hợp với các quỹ thiện nguyện của cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa và đài SBTN, một đài mang khuynh hướng chống Cộng ở hải ngoại, để thực hiện các hoạt động nửa thiện nguyện, nửa chính trị trong nước.

Tôi không phán xét những hoạt động này là đúng hay sai. Tôi chỉ nhận xét rằng vì DCCT Việt Nam đã và đang có lợi ích gắn chặt với một phe trong cuộc chiến, và có thâm thù với phe còn lại, DCCT không phải là một bên độc lập về mặt lợi ích, và thông điệp hòa giải mà dòng đưa ra sẽ không khách quan.

 

II. Thái độ của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đối với vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, từ năm 1954 đến thời điểm hiện tại

 

1. Nguồn gốc của thông điệp hòa giải trong buổi “lễ cầu nguyện vì Công lý & Hòa bình” cuối tháng 4 năm 2018

Cuối bản thông báo về nội dung buổi “lễ cầu nguyện vì Công lý & Hòa bình” cuối tháng 4 năm 2018, DCCT Thái Hà đã trích dẫn lời linh mục Nguyễn Chí Linh trong bài giảng khai mạc Năm Thánh 2010:

“Đã đến lúc người Việt nam phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta đã làm khổ nhau quá nhiều vì bảo thủ chính kiến và thành kiến, vì độc tôn phe nhóm và tư lợi. Phải khép lại quá khứ tị hiềm, ngờ vực để thế hệ mai sau không quy trách thế hệ chúng ta. Hãy cùng nhau chia xẻ một giấc mơ chung về đất nước, quê hương, dân tộc, xã hội, để giới trẻ của chúng ta an lòng tin tưởng bước vào tương lai”.

Trong buổi lề cầu nguyện, linh mục Trịnh Ngọc Hiên cũng nhắc lại đoạn trích trên một lần nữa.

Như vậy, để biết ngọn nguồn của thông điệp “hòa giải, hòa hợp dân tộc” mà DCCT Việt Nam đang vin vào, ta cần tìm hiểu về Năm Thánh 2010 và những con người, sự kiện xoay quanh nó.

Năm Thánh 2010 là một sự kiện của Giáo hội Công giáo Việt Nam, để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Ngày 29 tháng 9 năm 2008, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi thư thỉnh nguyện lên Giáo hoàng Benedict XVI để xin cử hành Năm Thánh này, và được chấp thuận. Trong lễ khai mạc, hàng giáo chức Việt Nam đã đọc ba diễn văn xoay quanh chủ đề “Sám hối và Hòa giải”, và đọc Sứ điệp Giáo hoàng gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam nhân Năm Thánh này, trong đó có đoạn:

“Năm Thánh là thời điểm chứa chan ân sủng, thuận lợi cho việc hoà giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại. Chúng ta nên nhìn nhận những sai lỗi chúng ta đã phạm trong quá khứ và hiện tại, đối với anh em đồng đạo và anh em đồng bào, và xin mọi người tha thứ”.

Theo diễn văn khai mạc của linh mục Nguyễn Chí Linh, thì tiêu đề “Sám hối và Hòa giải” được chọn bởi Hồng y Phạm Minh Mẫn, người đứng đầu Ủy ban Năm Thánh. Có lẽ tiêu đề này phần nào xuất phát từ sự trăn trở của cá nhân ông Mẫn trước những hận thù, mâu thuẫn mà chiến tranh Việt Nam gây ra. Chẳng hạn, ngày 4 tháng 6 năm 2008, trước khi đến Sydney để dự Đại hội Giới trẻ Công giáo Thế giới (WYD), ông Mẫn đã viết một bức thư ngỏ gửi ba Giám mục khác cũng là đại diện của Việt Nam trong đại hội này. Thư của ông có đoạn:

“WYD ba lần trước ở Pháp, Đức, Canada, đều có một sự kiện mà một số bạn trẻ ở một số nơi coi như một sự cố làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ Việt Nam. Sự cố đó là lá cờ vàng ba sọc đỏ đã được dương lên trong lúc các bạn trẻ VN từ nhiều châu lục quy tụ lại để cử hành phụng vụ hoặc sinh hoạt chung.

Một lá cờ biểu tượng cho điều gì? Có lúc lá cờ được coi là biểu tượng cho một đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng một chủ nghĩa, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia… Có lúc chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng. Giám mục của tôi, cách đây hơn 30 năm, lúc còn sinh thời, đã để lại cho các tín hữu và cho bản thân tôi bài học lịch sử này: người mẹ VN, lúc mặc áo vàng (cờ vàng) lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ), lúc mặc áo lành, lúc áo rách, vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân VN, vẫn là người mẹ đã để lại cho dân tộc VN một di sản vô giá. Di sản đó là truyền thống văn hóa của dân tộc VN, một nền văn hóa khá phong phú với những giá trị tinh thần và đạo đức”.

Sau khi ông Mẫn gọi sự xuất hiện của lá cờ vàng tại WYD là một “sự cố làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ Việt Nam”, ông đã bị nhiều nhóm người Việt ở hải ngoại gọi là “cộng sản”, và kêu gọi biểu tình phản đối. Do đó, ông đã phải hủy bỏ lịch trình của mình ở California [5].

Ngoài những trăn trở cá nhân của ông Mẫn, tiêu đề của Năm Thánh 2010 cũng phần nào xuất phát từ sự tan băng trong quan hệ của Vatican và Việt Nam. Tháng 2 năm 2009, một phái đoàn của Vatican đã đến thăm và làm việc tại Hà Nội, để thành lập các “Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam – Vatican”, thảo luận vấn đề ngoại giao giữa hai phía. Tháng 12 năm đó, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam sau năm 1975 hội kiến Giáo hoàng tại Vatican. Năm 2011, nhà nước Việt Nam đồng ý để Vatican bổ nhiệm một đại diện không thường trú tại Việt Nam.

Nhiều mâu thuẫn giữa Vatican và nhà nước Việt Nam trực tiếp xuất phát từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Cụ thể, vào năm 1954, khi Hồ Chí Minh còn đang cố giữ thái độ dung hòa bằng cách bổ nhiệm một linh mục làm cố vấn của mình, thì Vatican đã hỗ trợ Ngô Đình Diệm trong việc tuyên truyền, để khiến 800.000 người Công giáo rời miền Bắc. Vatican cũng hỗ trợ Diệm trong việc thực hiện chính sách phân biệt đối xử, để Công giáo hóa miền Nam. Trong suốt cuộc chiến tranh, Mỹ đã chi 40 triệu USD để tài trợ cho những hoạt động của Vatican tại Việt Nam, và Vatican thường xuyên ngăn cản chính quyền hai miền ngồi lại với nhau để chấm dứt xung đột [6]. Do đó, khi Vatican ủng hộ chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc, họ mở đường cho chính họ xích lại gần nhà nước Việt Nam.

Cũng cần lưu ý rằng Vatican không phải là người đưa ra chủ trương này. Chủ trương này đã được nêu ra trước đó khá lâu bởi những người Cộng sản thân ông Võ Văn Kiệt, và bởi một số hội đoàn đối lập ở hải ngoại như nhóm Tập hợp Dân chủ Đa nguyên. Tương tự Giáo hội Công giáo, mỗi nhóm này lại gán cho cụm từ “hòa giải và hòa hợp dân tộc” một nội hàm riêng, và dùng nó cho những mục đích chính trị riêng.

 

2. Thái độ của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đối với vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, từ năm 1954 đến thời điểm hiện tại

Như đã đề cập, trong giai đoạn 1954 – 1975, DCCT Việt Nam hoàn toàn ngả về khuynh hướng ủng hộ VNCH và chống Cộng. Khuynh hướng này ảnh hưởng nặng đến nỗi dòng không chấp nhận để ông Chân Tín, một linh mục theo khuynh hướng chính trị trung lập, giữ chức giám đốc tờ báo của họ.

Khuynh hướng chống Cộng cực đoan, chống “hòa giải, hòa hợp dân tộc” của DCCT Việt Nam vãn được duy trì liên tục mãi cho đến gần đây. Năm Thánh 2010, với tiêu đề “Sám hối và Hòa giải”, đã không thay đổi quan điểm của họ. Trong buổi nói chuyện ở Mỹ vào ngày 25 tháng 9 năm 2011, linh mục Nguyễn Văn Khải, người mà một thời gian ngắn trước đó còn giữ chức phát ngôn viên của DCCT Thái Hà, đã phát biểu như sau [7]:

“Có người bảo chế độ cộng sản bây giờ thay đổi rồi…thưa cả nhà. Nếu ma quỷ mà biết sám hối thì đã trở thành thánh nhân rồi, cũng vậy nếu cộng sản mà thay đổi thì đất nước đã có dân chủ rồi, chứ không còn độc tài toàn trị nữa đâu. Hòa hợp với cộng sản thì hoá ra mình lại đi hợp tác với đảng cướp à…”

Sau khi DCCT TP.HCM tổ chức “lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình” đầu tiên vào tháng 5 năm 2011 [8], lễ này đã được tổ chức gần như liên tục, mỗi tháng một lần, cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trước năm 2016, các “lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình” vào tháng 4 hằng năm chưa bao giờ nhắc đến vấn đề “hòa giải và hòa hợp dân tộc”. Chẳng hạn, trong buổi lễ cuối tháng 4 năm 2014, DCCT Thái Hà cầu nguyện cho các tù chính trị và các nạn nhân của dịch sởi tại Việt Nam [9]. Còn trong buổi lễ cuối tháng 4 năm 2015, họ cầu nguyện cho một người Công giáo bị chết khi đến UBND phường, và cho “Dũng Phi Hổ”, người vừa bị bắt vì mặc áo có phù hiệu VNCH khi đi biểu tình không lâu trước đó [10].

Phải đến tháng 4 năm 2016, lễ cầu nguyện của DCCT Việt Nam mới lần đầu đề cập đến vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc [11], qua bài giảng của linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong ở TP.HCM [12], và của linh mục Ngô Văn Kha ở Hà Nội. Tháng 4 năm 2017, lễ cầu nguyện của DCCT đề cập đến vấn đề này lần thứ hai, qua bài giảng của linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong ở Hà Nội [13]. Như vậy, buổi lẽ cầu nguyện tháng 4 năm 2018 chỉ lặp lại một tiền lệ mới có từ 2 năm trước mà thôi.

Đối với nội bộ DCCT Việt Nam, có lẽ buổi lễ cầu nguyện vào tháng 4 năm 2016, tức buổi lễ đầu tiên, có phần quan trọng hơn hai buổi còn lại. Điều này thể hiện qua việc họ làm lễ ở cả hai đầu cầu Bắc – Nam, thay vì chỉ làm ở miền Bắc như hai lần kế tiếp. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam lại dồn khá nhiều sự chú ý vào buổi lễ năm 2017 và 2018, và không có phản ứng gì sau buổi lễ đầu tiên. Đó là bởi trong hai buổi lễ sau, bài giảng của linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong và Trịnh Ngọc Hiên mới bắt đầu công kích chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa xã hội, và tuyên truyền rằng mọi vấn đề mà đất nước đang gặp phải đều xuất phát từ thể chế.

Vậy vì sao phải đến năm 2016, DCCT Việt Nam mới bắt đầu dùng vấn đề “hòa giải và hòa hợp dân tộc” làm một thông điệp tuyền truyền? Quyết định của họ có khả năng liên quan đến định hướng tuyên truyền mới của Vatican, dù sự liên quan này là không chắc chắn.

Theo thông lệ, Vatican tổ chức Năm Thánh toàn cầu 50 năm một lần, và Năm Thánh 2000 là lần gần nhất. Tuy nhiên, năm 2016, họ đã tổ chức một Năm Thánh bất thường, xoay quanh chủ đề “Lòng Thương Xót”. Theo Tông sắc của Giáo hoàng, thì ông tổ chức Năm Thánh bất thường này để kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng chung Vatican 2, là Công đồng đã ”phá đổ những bức tường thành khép kín Giáo Hội trong thời gian quá lâu trong một thành trì đặc ân”, để đưa Giáo Hội ”loan báo Tin Mừng một cách mới mẻ”, sử dụng ”liều thuốc thương xót, thay vì dùng những vũ khí ngặt nghèo” [15]. Qua tuyên bố này, có thể thấy rõ mối liên quan giữa Năm Thánh 2016 và một chiến lược tuyên truyền mới.

Trong phần sau của Tông sắc, Giáo hoàng đưa ra nhiều thông điệp mà DCCT dùng lặp đi lặp lại trong các bài giảng kêu gọi “hòa giải, hòa hợp dân tộc” 3 năm trở lại đây. Số này bao gồm thông điệp “tha thứ để được tha thứ”, thông điệp kêu gọi tội phạm và người tham nhũng chủ động sám hối, thay đổi, thông điệp đối thoại liên tôn, thông điệp chống kỳ thị, và thông điệp rằng tha thứ không tương phản với công lý [15].

Nếu giả thuyết này đúng, thì thông điệp “hòa giải, hòa hợp dân tộc” mà DCCT đưa ra không hề xuất phát từ những trăn trở trước hiện trạng của người Việt Nam, như trường hợp Hồng y Phạm Minh Mẫn. Thay vào đó, nó xuất phát từ những chỉ thị của Vatican, về việc thay đổi phương thức truyền đạo sao cho phù hợp với tình hình mới. Chính vì vậy, như phần sau của bài sẽ chỉ ra, lời kêu gọi “hòa giải” của DCCT Việt Nam giống một khẩu hiệu tuyên truyền hơn là một tình cảm thành thật.

 

III. Về những hoạt động mà Dòng Chúa Cứu Thế thực hiện để tưởng niệm những người chết và hỗ trợ những người bị thương trong chiến tranh Việt Nam

Trong bài giảng ngày 29 tháng 4 năm 2018, linh mục Trịnh Ngọc Thanh kêu gọi giáo dân hãy “nhớ về hàng triệu người dân Việt Nam hai miền đã ngã xuống để làm nên những ngày tháng Tư lịch sử”. Ông Thanh cũng kêu gọi “một sự hòa giải, hòa hợp đích thực từ cả hai phía để không còn sự phân biệt vùng Miền, trong nước hay hải ngoại, đảng phái, chính trị, tôn giáo, bên thắng, bên thua”. Như vậy, nếu Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) làm đúng theo lời tuyên truyền của họ, họ phải đối xử với những người chịu thương vong trong chiến tranh Việt Nam với một thái độ như nhau.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, DCCT chưa có bất cứ hoạt động nào để tưởng niệm hoặc hỗ trợ những lính ở phe miền Bắc.

Trong khi đó, DCCT thường xuyên làm lễ giỗ Tổng thống Ngô Đình Diệm của chế độ VNCH, dù ông Diệm vừa chịu một phần trách nhiệm về tình trạng chia cắt và giao tranh Nam – Bắc, vừa chịu trách nhiệm về xung đột tôn giáo ở miền Nam.

Nhiều người có thể cho rằng những buổi “tri ân thương phế binh VNCH”, mà DCCT Kỳ Đồng tổ chức từ năm 2012 cho đến nay, là một cống hiến của dòng này trong tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hoạt động này, ta cần tìm hiểu cặn kẽ về nguồn gốc của nó.

Sau chiến tranh Việt Nam, tổng số thương binh VNCH lên đến 20.000 người. Trong đó, có từ 3000 đến 5000 người bị tàn phế, cụt tay, cụt chân, mù mắt và mất sức lao động. Cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ gia đình các thương binh này. Trong đó, “Hội H.O. Cứu trợ Thương phế binh và Quả phụ VNCH”, được cựu trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn thành lập vào năm 1992, là tổ chức thành công nhất.

Mỗi năm một lần, Hội H.O tổ chức một đại nhạc hội mang tên “Cảm Ơn Anh”, để quyên tiền hỗ trợ các thương phế binh VNCH đang sống ở Việt Nam. Ban đầu, khoản tiền này được chuyển cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), để họ tổ chức các chương trình hỗ trợ thương phế binh VNCH tại chùa Liên Trì, TP.HCM [16]. Sau đó, từ năm 2012, khi chùa Liên Trì năm trong phương án giải tỏa của nhà nước, hòa thượng Thích Không Tánh, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Xã hội – Thanh niên của GHPGVNTN, đã đề nghị DCCT Kỳ Đồng thay họ thực hiện chương trình. Có lẽ khi đưa ra đề nghị này, ông Tánh đã dùng cơ chế hợp tác của Hội đồng Liên tôn – một liên minh các tổ chức tôn giáo chống chính quyền, mà cả GHPGVNTN lẫn DCCT Việt Nam đều góp mặt.

Sau khi DCCT Kỳ Đồng tiếp quản chương trình thiện nguyện, họ đổi tên nó thành “Chương trình Tri ân Thương phế binh VNCH”. Họ cũng thay đổi chương trình cả về qui mô lẫn tính chất.

Về quy mô, từ 100 thương phế binh được chùa Liên Trì hỗ trợ vào năm 2012, con số này tăng lên 250 người vào năm 2013, 500 người vào năm 2014, 1.300 người vào năm 2015 và 5000 người vào năm 2016 [3].

Về tính chất, DCCT Kỳ Đồng đã biến một hoạt động thiện nguyện thuần túy thành một hoạt động mang tính biểu dương chính trị. Một mặt, qua tên gọi “Chương trình Tri ân Thương phế binh VNCH”, có thể thấy DCCT Kỳ Đồng cho rằng VNCH là bên đúng, bên nắm chính nghĩa trong cuộc chiến tranh Việt Nam, và dùng buổi phát quà cho thương phế binh để tuyên truyền điều đó. Mặt khác, khi trả lời phỏng vấn đài SBTN về chương trình, linh mục Lê Ngọc Thanh của DCCT Kỳ Đồng đã thừa nhận như sau [17]:

“Linh mục Thanh nhấn mạnh rằng, hoạt động không phải là làm từ thiện hay phát chẩn, mà là “giúp trả lại cho các anh em thương phế binh giá trị làm người, cái giá trị mà anh em bị chà đạp bởi định kiến chính trị trong xã hội Việt Nam…”.

Dưới cái nhìn khách quan, thì việc phản bác một định kiến chính trị, thông qua một hoạt động quy tụ 5000 người, cũng là một hoạt động biểu dương chính trị.

Có người cho rằng vì chính quyền Việt Nam không có bất cứ chế độ nào để hỗ trợ các thương phế binh VNCH, DCCT Kỳ Đồng mới phải làm việc đó. Chẳng hạn, trong một bài viết vào năm 2014, phóng viên Mặc Lâm của đài RFA tiếng Việt nhận xét về các thương phế binh nhận hỗ trợ như sau [18]:

“Là những người đã đổ một phần xương máu cho đất nước, nhưng rất mỉa mai, vì họ là người thua cuộc, nên không có bất cứ chế độ giúp đỡ nào đối với họ ngay cả danh nghĩa trợ giúp cho người tàn tật”.

Rất tiếc, thông tin mà ông Mặc Lâm đưa ra không trùng với thực tế ở Việt Nam. Chẳng hạn, khi trả lời phỏng vấn đài SBTN, chính linh mục Lê Ngọc Thanh cho biết một thương binh ở Cần Giờ đã “bị dọa cắt tiền an sinh xã hội dành cho người khuyết tật” vì đi dự chương trình của DCCT [17]. Tương tự, khi trả lời phỏng vấn đài RFA vào năm 2017, thương binh Nguyễn Thanh Kha, một người nhận tiền hỗ trợ từ DCCT, cũng khẳng định rằng Phòng Thương binh – Xã hội của huyện cấp cho ông 270.000 VNĐ tiền trợ cấp khuyết tật mỗi tháng [16]. Như vậy, khó có thể nói rằng chính quyền vẫn phân biệt đối xử với các thương phế binh VNCH, và không cho họ quyền làm người.

Cũng có người cho rằng khoản trợ cấp của chính quyền quá nhỏ, nên vẫn thể hiện sự phân biệt đối xử, và không đảm bảo quyền con người. Thương binh Nguyễn Thanh Kha vừa nêu cũng cho rằng số tiền này “ít ỏi lắm, không đáng kể”. Khoản tiền này quả là ít, nhưng lại không ít nếu so với khoản tiền mà ông Kha nhận được từ Hội H.O. Theo lời chính ông Kha, thì ông được Hội H.O hỗ trợ 100 USD mỗi năm [16]. Số tiền này chỉ tương đương 184.000 VNĐ mỗi tháng, ít hơn khoản trợ cấp của chính phủ.

Tất nhiên, mọi khoản tiền để hỗ trợ các thương phế binh đều có ý nghĩa đối với họ và với xã hội. Ngay cả nhà nước Việt Nam cũng không thể phủ nhận điều này. Khi trả lời đài BBC tiếng Việt vào năm 2017, ông Nam Lộc, MC kiêm cố vấn của Hội H.O, đã cho biết như sau [19]:

“Về việc chuyển tiền cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại Việt Nam, tôi nhận thấy sau này phía chính quyền họ cũng nhận ra hoạt động này có tính chất nhân đạo hơn là chính trị nên thường thì họ để mọi việc diễn ra suôn sẻ. Chỉ có một vài vụ gặp khó khăn khi chuyển tiền cho những người này nhưng không đáng kể.”

Nếu ông Nam Lộc nhận định đúng, thì ta phải thừa nhận hai điều. Một, là DCCT Kỳ Đồng đã thổi phồng các nỗ lực của chính quyền để ngăn thương phế binh VNCH nhận tiền cứu trợ. Hai, là chính quyền không ngăn cản các hoạt động thiện nguyện thuần túy, họ chỉ ngăn cản các hoạt động biểu dương chính trị dưới vỏ bọc thiện nguyện, như chương trình “Tri ân” của ông Lê Ngọc Thanh. Nếu ông Thanh không chính trị hóa chương trình hỗ trợ thương phế binh, các phần quà mà ông nhận chuyển sẽ đến tay thương phế binh một cách rất thuận lợi.

Tuy nhiên, ta cũng phải nhìn nhận một thực tế đáng buồn, rằng nếu chương trình hỗ trợ thương phế binh trong nước không bị chính trị hóa, thì lượng tiền mà Hội H.O quyên góp được đã không tăng lên. Cụ thể, sau khi DCCT Kỳ Đồng chính trị hóa chương trình hỗ trợ thương phế binh, chương trình này bắt đầu được nhắc đến thường xuyên trên các trang BBC, VOA và RFA, khiến cộng đồng người Việt hải ngoại gia tăng sự chú ý với nó. Lượng tiền quyên góp mà Hội H.O thu được bắt đầu tăng vọt từ năm 2016, khi đài SBTN, một đài chống Cộng thân đảng Việt Tân, lần đầu tường thuật trực tiếp đại nhạc hội gây quỹ của hội này qua Internet. Nếu vào năm 2013, Hội H.O chỉ quyên được 750.000 USD, thì vào năm 2017, số tiền quyên được đã đạt con số kỷ lục là hơn 2 triệu USD.

Vì bà Hạnh Nhơn, người sáng lập Hội H.O đã qua đời vào năm 2017, chỉ một năm sau khi đài SBTN đặt hội vào tầm ảnh hưởng của họ, đà chính trị hóa chương trình hỗ trợ thương phế binh có lẽ sẽ tăng tốc trong thời gian tới.

Như vậy, nhìn một cách tổng thể, thì những hoạt động mà DCCT thực hiện để tưởng niệm hoặc hỗ trợ các nạn nhân của chiến tranh Việt Nam không hề giúp ích cho tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Thứ nhất, khi thực hiện các hoạt động đó, DCCT thể hiện một thái độ phân biệt đối xử không kém gì thái độ của nhà nước Việt Nam. Tương phản với nhà nước, họ coi phe miền Nam là bên chính nghĩa, đáng được tưởng niệm và tri ân, còn phe miền Bắc là “ngụy”, không đáng được nhắc đến.

Thứ hai, vì DCCT biến các hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ thương phế binh VNCH thành hoạt động chính trị, họ gia tăng căng thẳng giữa chính quyền hiện tại và những người thuộc chế độ VNCH xưa. Căng thẳng này chắc chắn không có lợi cho tiến trình hòa giải dân tộc, và lẽ ra đã có thể tránh được.

Tất nhiên, DCCT Việt Nam có thể phản bác rằng ai cũng có “quyền” bày tỏ thái độ ủng hộ hoặc biết ơn với chế độ VNCH. Cứ cho là thế. Nhưng họ không có quyền lẫn lộn giữa từ thiện và chính trị, mượn từ thiện để tuyên truyền chính trị, rồi lại tuyên truyền rằng chính quyền đàn áp hoạt động từ thiện vì lý do chính trị.

Vì tất cả những lý do trên, tôi cho rằng các hoạt động tưởng niệm và thiện nguyện của DCCT Việt Nam không những không thúc đẩy, mà còn ngăn cản tiến trình hòa giải dân tộc.

Cũng cần lưu ý rằng trong suốt 6 năm thực hiện các hoạt động này, họ chỉ gắn chúng với thông điệp “tri ân” Tổng thống và thương phế binh VNCH, chứ chưa từng gắn chúng với thông điệp “hòa giải dân tộc”. “Hòa giải dân tộc” xem ra vẫn chỉ là lời nói suông, không gắn với hành động thiết thực của DCCT.

 

IV. Nội dung bài giảng của linh mục Trịnh Ngọc Hiên

Sau khi đọc bài giảng dài của linh mục Trịnh Ngọc Hiên [2], tôi thấy có thể chia bài thành ba ý chính:

_ Phần đầu bài trình bày thực trạng. Ông Hiên nhận định rằng dù cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc được 43 năm, dân tộc Việt Nam “chưa bao giờ thống nhất về mặt nhân tâm”. Theo ông, người Việt Nam vẫn đang bị chia rẽ vì các khác biệt về nhóm lợi ích, đảng phái, tôn giáo, vùng miền. Chính vì người Việt Nam không đoàn kết, chung sức xây dựng nước Việt Nam, đất nước mới gặp nhiều vấn nạn, và thua kém so với các nước khác.

_ Phần giữa bài phân tích lý do để chấm dứt sự chia rẽ. Ông Hiên lập luận rằng vì “trong Chúa, tất cả đã nên một”, và “trong ý Chúa, chúng ta là người Việt Nam”, suy ra “nếu chúng ta chia rẽ vì ý thức hệ, quyền lợi đảng phái, phe nhóm, tôn giáo, thì chúng ta đã không là người Việt Nam nữa”.

_ Phần cuối bài kêu gọi người Việt Nam thay đổi. Theo ông Hiên, thì để thay đổi, người Việt Nam cần làm hai việc.

Một, là “can đảm nhìn thẳng vào sự thật, để thấy rằng: chúng ta đã sai lầm; chúng ta đã quá huyễn hoặc với chủ nghĩa xã hội”.

Hai, là “phải biết hổ thẹn”, khi thấy trách nhiệm của mình trước các vấn nạn của đất nước.

Ba, là phải “cùng nhìn về một hướng”, “cùng nhìn về một tương lai chung của cả dân tộc”.

Sau khi phân tích ba ý chính kể trên và nội dung chi tiết của bài, tôi thấy bài giảng của linh mục Trịnh Ngọc Hiên có bốn lỗi:

 

1. Thiếu bằng chứng

Trong toàn bộ bài giảng, linh mục Trịnh Ngọc Hiên đã đưa ra rất nhiều nhận định có thể gây tranh cãi, như:

_ Tổng chi phí để thống nhất hai miền Triều Tiên thấp hơn tổng chi phí để thống nhất Việt Nam

_ Việt Nam đang tụt hậu hơn hẳn các nước trong khu vực, bao gồm Lào và Campuchia

_ Dân tộc Việt Nam đang chia rẽ hơn mức trung bình của các dân tộc khác

_ Việt Nam tụt hậu vì chia rẽ, chứ không phải vì những lý do khác

_ Việt Nam sẽ hết tụt hậu nếu từ bỏ chủ nghĩa xã hội

_ Việt Nam sẽ hết tụt hậu nếu người Việt Nam “nhìn về cùng một hướng”, “thống nhất về mặt nhân tâm”

Trong thực tế, để chứng minh mỗi nhận định gây tranh cãi nêu trên, người ta phải đưa ra ít nhất một nghiên cứu khoa học, sử dụng nhiều số liệu thống kê và bằng chứng lịch sử. Tuy nhiên, linh mục Trịnh Ngọc Hiên đã không hề đưa ra những bằng chứng đó. Thay vào đó, ông dùng một lượng lớn các từ ngữ biểu cảm để tăng tính thuyết phục cho bài giảng của mình. Vì vậy, có thể nói rằng bài giảng của ông dựa trên một loạt các nhận định không có cơ sở vững chắc.

Trong thực tế, có rất nhiều số liệu, bằng chứng chống lại các nhận định trong bài giảng của ông Hiên. Chẳng hạn, ông Hiên đã bỏ qua một thực tế rằng hai miền Việt Nam đã thống nhất cách đây 43 năm, còn hai miền Triều Tiên hiện vẫn chưa thống nhất. Thêm nữa, hai miền Triều Tiên cũng đã cố thống nhất bằng vũ lực, không khác hai miền Việt Nam. Dù tổng số người chết trong chiến tranh Triều Tiên thấp hơn chiến tranh Việt Nam, nó cũng đã đạt đến hàng triệu.

Tương tự, không khó để tìm ra những số liệu cho thấy Việt Nam không tụt hậu hơn Lào và Campuchia. Qua lịch sử nước Đức trong Thế chiến II, có thể thấy việc “nhìn về cùng một hướng”, “thống nhất về mặt nhân tâm” chưa chắc đã gắn liền với phát triển và tiến bộ. Và gần đây, một số cuộc điều tra ý kiến cho thấy nước Mỹ đang ở trong tình trạng chia rẽ chưa từng có kể từ thời Nội chiến đến nay [20]. Như vậy, cho đến khi những cuộc điều tra tương tự được tiến hành ở Việt Nam, ta không nên vội kết luận rằng dân tộc Việt Nam đang chia rẽ hơn các dân tộc khác.

Vì những nhận định quan trọng trong bài giảng của linh mục Hiên không đáng tin cậy, toàn bộ bài giảng cũng không đáng tin cậy.

 

2. Áp ý thức hệ của tập thể này lên công việc nội bộ của tập thể khác

“Hòa giải, hòa hợp dân tộc” là công việc chính trị nội bộ của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, khi phân tích lý do để hòa giải, linh mục Trịnh Ngọc Hiên chỉ được phép dùng hai dạng phương pháp luận. Một, là một hệ thống khoa học chính trị bất kỳ. Hai, là truyền thống văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, khi phân tích lý do cần “hòa giải, hòa hợp dân tộc”, linh mục Hiên đã dùng một phương pháp luận không liên quan, là thần học Công giáo. Như vậy, ông Hiên đã áp ý thức hệ của tập thể này lên công việc nội bộ của tập thể khác, vốn không liên quan. Vì 90% dân số Việt Nam không theo Công giáo, họ chắc chắn không cảm thấy bài giảng của ông Hiên có tính thuyết phục.

 

3. Phát ngôn vượt quá thẩm quyền

Trong bài giảng, linh mục Trịnh Ngọc Hiên nhiều lần khẳng định rằng ai không chịu “cùng nhìn về một hướng”, không “biết hổ thẹn như Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt từng hổ thẹn khi xuất ngoại”, thì người đó không còn là người Việt Nam.

Có thể nói ông Hiên đã phát ngôn vượt quá thẩm quyền của mình. Trên thực tế, ông không có quyền tước quốc tịch của những người Việt Nam khác, và cũng không có quyền phát biểu thay cho đất nước.

 

4. Tự mâu thuẫn

Năm Thánh 2010 có tiêu đề “Sám hối và Hòa giải”. Tiêu đề này phù hợp với quan điểm của thần học Công giáo, rằng chỉ sau khi ta tự sám hối, ta mới có thể hòa giải với Thượng đế và với những người xung quanh. Vì bài giảng của linh mục Trịnh Ngọc Hiên dùng phương pháp luận của thần học Công giáo, và trích dẫn diễn văn khai mạc Năm Thánh 2010, nó đương nhiên phải tuân thủ quan điểm này. Tuy nhiên, trong bài giảng, dường như ông Hiên chỉ bắt người khác sám hối, chứ không hề tự sám hối. Cụ thể:

_ Ông Hiên không kể những tội lỗi mà ông gây ra cho những người Việt Nam khác, dù theo quan điểm của thần học Công giáo, ông không có quyền nói rằng ông sạch tội.

_ Ông Hiên không kể những tội lỗi mà DCCT nói riêng, và người Công giáo nói chung đã gây ra cho những thành phần khác trong dân tộc Việt Nam – như việc họ từng cộng tác chặt chẽ với thực dân Pháp trong một số giai đoạn [21], hay việc họ cướp khu đất của chùa Báo Thiên để xây Nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

_ Trong khi đó, ông Hiên lại tập trung kể tội chủ nghĩa xã hội, và tuyên bố rằng xét lại chủ nghĩa xã hội là việc đầu tiên cần làm để thay đổi Việt Nam.

Vì DCCT Việt Nam thường xuyên tổ chức các hoạt động chính trị chống chế độ hiện hành, có thể nói ông Hiên không hề có thiện chí “hòa giải” với bất cứ ai, mà chỉ mượn chuyện “hòa giải” để lên án đối thủ chính trị. Thay vì tự sám hối, ông kêu gọi hòa giải để bắt người khác sám hối. Như vậy, ông Hiên đã tự mâu thuẫn với lời dạy trong đạo Công giáo của ông, và bài giảng của ông đã tự mâu thuẫn với phương pháp luận của nó.

Mâu thuẫn tổng thể này tạo ra các mâu thuẫn chi tiết. Chẳng hạn, trong khi ông Hiên kêu gọi người Việt Nam ngừng chia rẽ, ông lại tuyên bố rằng những ai không chịu “nhìn về cùng mối hướng”, không chịu “hổ thẹn” theo cách mà ông muốn thì đều không phải là người Việt Nam. Ông Hiên chia người Việt Nam làm hai bộ phận, là những người có cùng quan điểm chính trị với ông và những người không, rồi phủ nhận bộ phận thứ hai. Vì vậy, bài giảng của ông chỉ gây thêm chia rẽ.

 

V. Những lợi ích mà DCCT đang theo đuổi trong thời điểm hiện tại, và công dụng của khẩu hiệu “hòa giải, hòa hợp dân tộc” trong việc theo đuổi những lợi ích đó

Hiện nay, Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) Việt Nam đang theo đuổi hai mục tiêu chính trị chính.

Một, là truyền đạo cho nhiều người nhất có thể. Như bài về DCCT Việt Nam trên Blog Lịch sử Xã hội Dân sự đã đề cập, họ là một dòng tu dân túy, chuyên nhắm đến đối tượng người cùng khổ, người bị áp bức, và chuyên thu hút tín đồ bằng truyền thông [3]. Từ vụ “biểu tình đòi đất” của tu viện Thái Hà hồi năm 2008 đến nay, DCCT Việt Nam đã cải đạo cho một lượng lớn các gương mặt chính trị đối lập, các nhóm dân khiếu kiện, cùng thương phế binh của chế độ VNCH cũ, và khiến nhiều nhóm đối lập trong nước lệ thuộc vào dòng này.

Hai, là lật đổ chế độ hiện hành của Việt Nam. Đây là cơ hội duy nhất để DCCT Việt Nam đòi lại được những tài sản cũ của mình, và trở thành một lực lượng có chỗ đứng trong nền chính trị, văn hóa của dân tộc.

Để theo đuổi hai mục tiêu chính trị này, DCCT Việt Nam đang hợp tác một cách chặt chẽ với đảng Việt Tân [22][23].

 

VI. Tổng kết

Sau khi xem xét hai mục tiêu chính trị trên và toàn bộ dữ kiện đã nêu trong bài, tôi xin phép nhận định:

 

1. Về nguồn gốc của khẩu hiệu “hòa giải, hòa hợp dân tộc” mà DCCT Việt Nam đưa ra

Khẩu hiệu này có nguồn gốc phức tạp, với nhiều lớp sự kiện khác nhau, trải suốt một quá trình dài.

Trước tiên, phải kể đến khẩu hiệu “hòa giải, hòa hợp dân tộc” mà một tổ chức chính trị ở hải ngoại – là nhóm Thông Luận của Nguyễn Gia Kiểng, sau đổi tên thành Tập hợp Dân chủ Đa nguyên – đã đưa ra từ những năm cuối của thế kỷ trước.

Sau đó, một khẩu hiệu tương tự cũng được ông Võ Văn Kiệt và những người ủng hộ đưa ra vào năm 2005.

Năm 2008, sau khi trăn trở về mâu thuẫn màu cờ giữa giới trẻ Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước, Hồng y Phạm Minh Mẫn chọn “Sám hối và Hòa giải” làm tiêu đề của Năm Thánh 2010.

Tiêu đề vừa nêu được thông qua vì vào năm 2008, khi ông Mẫn đệ đơn, Vatican đang cần xích lại gần Hà Nội.

Tuy vậy, sau Năm Thánh 2010, DCCT Việt Nam vẫn chống chủ trương “hòa giải dân tộc”, và tiếp tục giữ thái độ chống Cộng cực đoan. Phải đến năm 2016, khi Năm Thánh “Lòng Thương Xót” đánh dấu một bước chuyển trong chiến lược tuyên truyền của Công giáo toàn cầu, thì DCCT Việt Nam mới dùng “hòa giải, hòa hợp dân tộc” làm khẩu hiệu tuyên truyền, theo sát những hướng dẫn của Tòa Thánh.

Như vậy, khẩu hiệu “hòa giải, hòa hợp dân tộc” mà DCCT Việt Nam đang sử dụng đến từ 5 luồng ảnh hưởng, cái sau chồng lên cái trước. Trong mỗi luồng ảnh hưởng này, khẩu hiệu “hòa giải, hòa hợp dân tộc” lại được gán cho một nội hàm khác nhau, và được dùng để phục vụ một số mục đích khác nhau.

Trong 5 luồng ảnh hưởng, có tới 2 luồng phục vụ mục đích của Vatican, thay vì của người Việt Nam.

 

2. Về động cơ của DCCT Việt Nam khi kêu gọi “hòa giải, hòa hợp dân tộc”

DCCT Việt Nam không hề có thiện chí “hòa giải, hòa hợp dân tộc”. Họ chỉ lợi dụng khẩu hiệu này cho những mục đích sau:

_ Để mềm hóa, ôn hòa hóa, nữ tính hóa thông điệp tuyên truyền, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, theo hướng dẫn trong Năm Thánh “Lòng Thương Xót” của Vatican.

_ Để có cơ hội công kích thể chế, công kích chính quyền, theo một cách mà chính quyền khó ngăn chặn.

_ Để phủ nhận “huyền thoại” về cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất dân tộc – nền tảng chính đáng quan trọng nhất của thể chế hiện hành.

_ Để từng bước đưa chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH), mà họ gắn bó về mặt lịch sử và lợi ích, thành một thể chế được công nhận, và một chủ đề thảo luận công khai. Sau đó, họ sẽ so sánh những thành tựu phát triển của VNCH với miền Bắc Việt Nam cùng thời và Việt Nam hiện tại. Tất nhiên, khi làm việc này, họ sẽ không nhắc đến một thực tế rằng trong cả chính trị, kinh tế lẫn quân sự, VNCH lệ thuộc hoàn toàn vào các khoản viện trợ của nước ngoài.

 

3. Về chiến lược dài hạn mà họ có thể hướng đến

Nhìn tổng thể, thì ba bài giảng về “hòa giải, hòa hợp dân tộc” của DCCT Việt Nam nằm trong hai chiến lược tồn tại song song.

Một, là chiến lược tuyên truyền mới của Vatican. Trong chiến lược này, họ xây dựng “quyền lực mềm” thông qua những khẩu hiệu như “lòng thương xót”, “tình yêu”, “hòa giải”…, qua những chương trình đối thoại liên tôn, hoạt động từ thiện và quỹ từ thiện.

Hai, là chiến lược phục hồi chế độ VNCH. Từ năm 2015 trở lại đây, DCCT và nhiều hội đoàn khác trong phong trào đối lập Việt Nam đang tăng cường sử dụng chiến lược này vì hai lý do chính. Thứ nhất, vì phần trong nước của phong trào liên tục bị đàn áp, phần hải ngoại, hầu hết xuất phát từ chế độ VNCH, dần nắm vai trò quan trọng hơn cả về mặt tài chính lẫn tổ chức, chỉ đạo. Thứ hai, vì phong trào không vạch ra được đường lối mới nào cho Việt Nam, nó đành dùng tiền lệ của chế độ VNCH làm mục tiêu và đường lối. Đây là một lựa chọn khôn ngoan, vì nó cho phép họ dùng những thành tựu của chế độ VNCH, được chứng minh qua ảnh chụp, làm một phương tiện để tuyên truyền cho đường lối chính trị của mình.

Trong hai chiến lược trên, cái đầu tiên chắc chắn được DCCT Việt Nam thực hiện một cách có ý thức. Hiện chưa có đủ bằng chứng để xác định mức độ ý thức, tự chủ của DCCT khi họ thực hiện chiến lược thứ hai.

Tuy nhiên, có thể nhận xét rằng để chiến lược thứ hai thành công, DCCT và các tổ chức chính trị có cùng khuynh hướng phải thuyết phục giới trẻ Việt Nam tin vào chế độ VNCH. Vì vậy, những hướng tiến công trong lĩnh vực này, như các chiến dịch tuyên truyền cho Hiến pháp và nền giáo dục VNCH của trang Luật khoa Tạp chí, mới là hướng tiến công có khả năng tạo ra bước ngoặt.

Dù sao đi nữa, qua việc thông điệp “hòa giải” của ông Trịnh Ngọc Hiên không những không bị các tổ chức “cờ vàng” phản bác, mà còn được đăng lại trên trang Facebook của đảng Việt Tân, có thể thấy bài giảng này có ảnh hưởng không nhỏ trong phong trào chính trị đối lập.

 

4. Về tính chính nghĩa của bài giảng

Hiện nay, trên Internet tồn tại nhiều nước Việt Nam khác nhau. Mỗi nước Việt Nam này có một lịch sử, văn hóa, luân lý, pháp luật, tiêu chuẩn thẩm mỹ riêng biệt, cùng những huyền thoại riêng biệt. Mỗi nước thường dùng hệ chuẩn mực của mình để đánh giá, phán xét các nước còn lại, trong cuộc chiến tuyên truyền để giành dân.

Trong bài giảng của mình, linh mục Trịnh Ngọc Hiên đã cố áp hệ chuẩn mực của Công giáo cho phần còn lại của dân tộc Việt Nam, và phủ nhận các huyền thoại kháng chiến mà nhà nước hiện nay đang dùng làm nền tảng. Vì vậy, đây là một bài giảng phi nghĩa, nếu xét theo hệ chuẩn mực của nhà nước Việt Nam.

Ngược lại, những người ủng hộ chế độ VNCH có thể xem đây là một bài giảng giàu tính chính nghĩa, vì nó phù hợp với lợi ích của hệ thống mà họ tham gia.

Cá nhân tôi không xem đây là một bài giảng giàu tính chính nghĩa.

Thứ nhất, người giảng hô hào “hòa giải”, trong khi không thực lòng muốn “hòa giải”. Làm như vậy là nói dối.

Thứ hai, nhiều nhận định trong bài giảng hoặc không đi kèm bằng chứng thuyết phục, hoặc có thể được chứng minh là sai.

Thứ ba, nội dung bài giảng có những điểm mâu thuẫn với phương pháp luận mà nó sử dụng.

Trong hệ giá trị của cá nhân tôi, nói dối và nói sai thì không có tính chính nghĩa.

Giả Nhân

Chú thích:

[1] “Thông báo: Thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình tại Thái Hà cuối tháng 4.2018”

http://nhathothaiha.net/thong-bao-thanh-le-cau-nguyen-cho-cong-ly-va-hoa-binh-tai-thai-ha-cuoi-thang-03-2018/

[2] “Thay đổi – đó là mệnh lệnh từ trái tim” – Bài giảng của linh mục Trịnh Ngọc Hiên, chánh xứ Thái Hà

http://nhathothaiha.net/bai-giang-le-cong-ly-va-hoa-binhthang-tu-nam-2018-thay-doi-la-menh-lenh-tu-trai-tim/

[3] Lịch sử Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam – Blog Lịch sử Xã hội Dân sự

https://lichsuxahoidansuvietnam.wordpress.com/2018/02/04/dong-chua-cuu-the-viet-nam/

[4] “Các hoạt động kỷ niệm Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam” – Bích Đượm, chuyên viên Vụ Công giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ

http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/241/0/1262/Cac_hoat_dong_ky_niem_Nam_thanh_2010_cua_Giao_hoi_Cong_giao_Viet_Nam

[5] “Lá thư gây tranh cãi của đức Hồng y” – BBC tiếng Việt

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080707_cardinalman_letter.shtml

[6] “Vietnam Why Did We Go? The shocking Story of the Catholic “Church’s” Role in Starting the Vietnam War” – Avro Manhattan

[7] “Lòng yêu Nước và sự quyết tâm bảo vệ Giáo hội của Linh mục Nguyễn Văn Khải được biểu hiện rõ ràng qua buổi nói chuyện tại Seattle” –

http://www.vietnamexodus.info/vne0508/vnenews2/bandocviet/nguyenanquy/longyeunuoc.htm

[8] “Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình tròn hai năm” – DCCT Sài Gòn

http://danlambaovn.blogspot.com/2013/05/dcct-sai-gon-thanh-le-cau-nguyen-cho.html

[9] “Cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm và nạn nhân dịch sởi tại Việt Nam” – JB. Nguyễn Hữu Vinh

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/blog-nguyenhuuvinh-042814-04282014132234.html

[10] “Bải Giảng Thánh lễ Cầu nguyện cho Công lý – Hòa bình Tháng 4/2015” – Linh mục Nguyễn Thế Hiện

http://saigonecho.com/index.php/phat-thanh/giang-thuyet/16296-bai-giang-thanh-le-cau-nguyen-cho-cong-ly-hoa-binh-thang-42015

[11] “Thông báo về Thánh lễ Cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình tháng 4 năm 2016” – Ban Công lý và Hòa bình Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

http://chuacuuthe.com/thong-bao-ve-thanh-le-cau-nguyen-cho-cong-ly-va-hoa-binh/

[12] “Bài Giảng lễ Công lý – Hòa bình: Quê hương mình rồi sẽ ra sao?” – Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong

http://viettan.org/bai-giang-le-cong-ly-hoa-binh-que-huong-minh-roi-se-ra-sao/

[13] Bài giảng lễ Công lý và Hòa bình tháng 4 năm 2017 – Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong

https://chantroimoimedia.com/2017/05/04/bai-giang-le-cong-ly-va-hoa-binh-cua-linh-muc-nguyen-ngoc-nam-phong/

[14] “Lược sử giáo xứ Thái Hà” – Linh mục Nguyễn Văn Khải

http://www.giaoxugiaohovietnam.com/HaNoi/01-Giao-Phan-HaNoi-ThaiHa.htm

[15] “Công bố Tông Sắc Năm Thánh về lòng thương xót” – Đài Vatican

http://vi.radiovaticana.va/storico/2015/04/11/c%C3%B4ng_b%E1%BB%91_t%C3%B4ng_s%E1%BA%AFc_n%C4%83m_th%C3%A1nh_v%E1%BB%81_l%C3%B2ng_th%C6%B0%C6%A1ng_x%C3%B3t/vi-1136085

[16] “Hỗ trợ Thương Binh Miền Nam Việt Nam 42 năm qua” – RFA tiếng Việt

https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/OverseasVietnamese/assistance-to-south-vn-wounded-n-invalid-soldiers-42-years-after-tt-04202017081759.html

[17] “Mất chùa Liên Trì, Dòng Chúa Cứu Thế bị chính quyền làm khó trong cứu trợ thương phế binh VNCH” – Đài SBTN

https://www.sbtn.tv/mat-chua-lien-tri-dong-chua-cuu-the-bi-chinh-quyen-lam-kho-trong-cuu-tro-thuong-phe-binh-vnch/

[18] “Họp mặt thương phế binh tại Dòng Chúa Cứu Thế” – Mặc Lâm, RFA tiếng Việt

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/wounded-warriors-meeting-redemptorist-church-ml-04282014081101.html

[19] “Bà Hạnh Nhơn người cứu trợ thương phế binh VNCH vừa qua đời” – BBC tiếng Việt

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39627242

[20] “America may be more divided now than at any time since the Civil War” – Conor Lynch, Salon.com

https://www.salon.com/2017/10/14/america-may-be-more-divided-now-than-at-any-time-since-the-civil-war/

[21] “Khái quát về chính sách tôn giáo của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam (1858-1954)” – TS. Lê Tâm Đắc

http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1879/Khai_quat_ve_chinh_sach_ton_giao_cua_chinh_quyen_thuc_dan_Phap_o_Viet_Nam_1858_1954_

[22] “Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà đang thao túng thân nhân của nhóm Hội Anh em Dân chủ?”

http://www.loaphuong.org/2018/04/dong-chua-cuu-thai-ha-ang-thao-tung.html

[23] “Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà đang in và mặc mẫu áo do đảng Việt Tân cung cấp”

http://hoangthinhatle.com/bai-noi-bat/dong-chua-cuu-the-thai-ha-dang-in-va-mac-mau-ao-do-dang-viet-tan-cung-cap/

Leave a comment