Hồ sơ Trần Khải Thanh Thủy

Trần Khải Thanh Thủy là một nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động trong phong trào chính trị đối lập Việt Nam. Bà là nhà hoạt động Việt Nam đầu tiên tìm cách kết nạp các “dân oan” – tức những người khiếu kiện lâu ngày quanh các tranh chấp liên quan đến đất đai – vào phong trào chính trị đối lập. Bà cũng từng tuyên bố thành lập Hội Dân oan Việt Nam vào năm 2006, gia nhập đảng Việt Tân vào năm 2008, được đảng này giúp sang Mỹ tị nạn khi đang đi tù vào năm 2011, và bỏ đảng vào năm 2014.

Trong suốt quá trình hoạt động của mình, Trần Khải Thanh Thủy thường xuyên bị những người cộng tác với bà tố cáo về hành hành vi tham ô và khủng bố.

 

I. Tiểu sử

Trần Khải Thanh Thủy sinh ngày 26 tháng 11 năm 1960 tại Hà Nội. Bố bà từng là cán bộ trường Đại học Hàng hải, Hải Phòng, mẹ bà là cán bộ của Bộ Thủy lợi cũ.

Năm 1982, bà tốt nghiệp khoa Sinh, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Từ năm 1986 đến năm 1993, bà làm giáo viên môn Sinh học tại trường THPT Kỳ Sơn B, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình và THPT Chương Mỹ A, tỉnh Hà Tây.

Năm 1989, bà thi vào trường viết văn Nguyễn Du nhưng trượt.

Năm 1993, bà bỏ nghề giáo viên, về Hà Nội viết báo. Trong quá trình làm cho báo Cựu Chiến binh, bà Thủy bị phát giác nhiều hành động không trung thực (1). Chẳng hạn, trong một lần đưa đoàn cựu chiến binh Mỹ đi khảo sát việc tìm kiếm thông tin xung quanh phi công Mỹ mất tích trong chiến tranh, bà đã mạo nhận nhiều khoản chi vô lý để thanh toán với cơ quan, ăn bớt cả số tiền công mà các cựu binh Mỹ trả cho người dân tỉnh Hòa Bình. Do tái phạm nhiều lần, bà bị đuổi việc vào năm 1999. Sau đó, bà viết cho nhiều báo khác, như Người Cao tuổi, Văn hóa Văn nghệ Công an, Lao động Thủ đô…

Năm 1998, bà Thủy bắt đầu xuất bản tác phẩm văn chương đầu tiên. Các tác phẩm của bà Thủy đã đều đặn được xuất bản trong nước trong hầu hết các năm từ 1998 đến 2006. Hầu hết số sách này được in bởi NXB Kim Đồng, NXB Thanh Niên và NXB Văn hóa Dân tộc.

Theo báo An ninh Thế giới (2), thì ngày 21 tháng 10 năm 2002, “cơ quan An ninh đã bắt quả tang Thủy đang tán phát 90 trang tài liệu có nội dung chống Đảng, Nhà nước. Khám nhà đối tượng, Cơ quan An ninh còn thu giữ được 89 đầu tài liệu, với 2.501 trang có nội dung tương tự. Trần Khải Thanh Thủy đã phải nhận tội, tỏ vẻ ăn năn, hối lỗi, viết đơn xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.

Năm 2004, bà Thủy xuất bản một cuốn sách bình luận tập “Lưu Hương Ký”, một tập thơ được cho là của Hồ Xuân Hương. Nhờ thành tích này, bà được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam, như bà nhiều lần mạo nhận trên Internet.

Trong những năm này, bà Thủy tiếp tục xung đột với những người cộng tác với mình. Sau khi một nhà xuất bản biên tập, cắt bớt một truyện vui trong cuốn sách của bà, bà gửi cho giám đốc nhà xuất bản này một lá thư khủng bố đề ngày 11 tháng 8 năm 2005. Trong thư có những đoạn sau (1):

“Ông làm tôi thất vọng quá, những tưởng ông ngồi ở chức vụ ấy, lại là người quen biết cũ, ông phải có một cách nhìn nhận và hành xử khác, xứng đáng với cương vị của mình. Nào ngờ ông chỉ là một kẻ dốt nát và cố chấp, ông chẳng hiểu quái gì về văn chương cả”.

“Tôi sẽ không tha ông đâu. Tôi sẽ khắc sâu mối hận này vào lòng và đánh chết tươi quãng đời còn lại của ông”.

“Hai đứa con ông sẽ có kết cục không ra gì đâu… Nếu bố mẹ ông có đội mồ sống dậy thì chắc sẽ đau lòng vì thằng con khốn nạn….”.

“Để tôi trùm váy lên đầu, lên bàn thờ tổ tiên mới mở mắt ra được chăng. Cả họ hàng hang hốc nhà ông cộng lại cũng không bằng nhân cách của tôi đâu”…

Vào thời điểm đó, vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hà Nội, nằm gần cả Văn phòng Tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, Phủ Chủ tịch lẫn Văn phòng Thủ tướng, đã trở thành một tụ điểm của những người dân khiếu kiệm lâu ngày quanh vấn đề đất đai. Những người này dựng lều trại, sống luôn ở vườn hoa để tiện đi nộp đơn ở phòng tiếp dân và đi biểu tình trước các cơ quan cấp cao của chính phủ. Cần lưu ý rằng Văn phòng Tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước là nơi cuối cùng mà người dân có thể nộp đơn kiện và khiếu nại, sau khi đơn của họ đã bị từ chối ở tất cả các cơ quan cấp thấp hơn. Vì vậy, có thể nói rằng những người dân túc trực ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng là những người đã bị dồn vào thế đường cùng, không lối thoát.

Các nhóm chống Cộng trong và ngoài nước vào thời điểm đó đã chế ra một từ mới, là “dân oan”, để gọi bộ phận dân bất mãn này. Dù các nhóm chống Cộng đã đưa tin về “dân oan” từ vài năm trước đó, Trần Khải Thanh Thủy là người đầu tiên tìm cách kết nạp các “dân oan” vào phong trào chống Cộng, và dùng “dân oan” làm lực lượng để làm cách mạng lật đổ thể chế.

Tháng 9 năm 2005, bà Thủy bắt đầu tiếp cận dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng với danh nghĩa nhà văn, nhà báo. Theo lời chính quyền, thì bà Thủy đã mạo nhận là phóng viên của một tờ báo chính thống để tiếp cận dân oan. Bà cho những người dân này số điện thoại, và nói rằng nếu cần, họ có thể gọi bà đến tận nhà để lấy tin. Sau đó, từ tháng 10 năm 2005, Thủy thu thập hồ sơ kiện tụng của các dân oan, dùng chúng làm tư liệu để viết bài công kích chính quyền, rồi gửi cho các website chống Cộng ở nước ngoài để lấy nhuận bút. Theo chính lời kể của Trần Khải Thanh Thủy, thì bà đã dùng nhiều bút danh khác nhau để viết, và nhận nhuận bút từ 20 đến 100 USD cho mỗi bài viết này (3).

Trong năm 2006, khi các nỗ lực để gia nhập WTO của Việt Nam khiến phong trào chính trị đối lập trong nước có cơ hội phát triển nở rộ, bà Thủy liên tục đăng ký tham gia ba tổ chức đối lập, là Khối 8406 của Nguyễn Văn Lý, Công đoàn Độc lập của Nguyễn Khắc Toàn và Ủy ban Nhân quyền Việt Nam của Nguyễn Văn Đài. Bà cũng thường xuyên đến Văn phòng Luật sư Thiên Ân của ông Nguyễn Văn Đài để gọi PalTalk với các nhóm người Việt ở hải ngoại, để xin tiền hoạt động. Có nguồn cho biết sau một cuộc gọi, bà quyên được 2000 USD (4). Theo một bài viết trên báo chính thống vào tháng 4 năm 2007, khi bà Thủy bị bắt, thì cho đến thời điểm đó, bà “đã nhận ít nhất 12.350 USD, 200 euro và 400 AUD từ các cá nhân và tổ chức phản động lưu vong” (5). Ngoài ra, bà Thủy còn “nhận 1.600 USD và 400 AUD từ bên ngoài với mục đích mua chuộc, lôi kéo người khiếu kiện”, nhưng chỉ chi từ 50 đến 100 nghìn VNĐ cho mỗi dân oan mà bà tiếp xúc. Mô tả của báo chí chính thống có vẻ khớp với nội dung của một bức thư mà Trần Khải Thanh Thủy gửi bà Đỗ Thị Minh Hằng, trong đó Thủy khẳng định rằng bà nhận 30 triệu VNĐ mỗi tháng, nhưng chỉ cần “tung ra” 100 nghìn VNĐ mỗi ngày cũng đủ để thu hút dân oan (4).

Ngày 2 tháng 9 năm 2006, bà Thủy bị bắt quả tang khi đang sử dụng dịch vụ Internet công cộng để phát tán 15 đầu tài liệu “chống nhà nước”, gồm hàng nghìn trang. Khi khám xét nhà bà, công an còn thu được 1371 đầu tài liệu khác, dày tổng cộng 11.000 trang, khi in ra nặng 12 kg (6).

Tuy nhiên, động thái này không làm bà Thủy nao núng. Từ ngày 12 tháng 11 năm 2006, Trần Khải Thanh Thủy phát động một cuộc “tổng nổi dậy”, trong đó người dân cả nước biểu tình liên tục trong ba ngày diễn ra hội nghị APEC 2006 ở Việt Nam, để “loại bỏ vĩnh viễn chủ nghĩa Cộng sản khỏi Việt Nam”, giải tán đảng Cộng sản, thay đổi thể chế và tên nước. Do không được ai hưởng ứng, cuộc “tổng nổi dậy” của bà thất bại và nhanh chóng bị lãng quên.

 

II. Thành lập “Hội Dân oan Việt Nam”

 

1. Nguồn gốc của hiện tượng “dân oan” ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng

Hồi tháng 8 năm 2005, một bài trên báo Nhân Dân phiên bản điện tử cho biết vào thời điểm đó, tình trạng “khiếu kiện vượt cấp” đang nhanh chóng gia tăng (8). Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, lực lượng chính ở Văn phòng Tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước (số 1 Mai Xuân Thưởng), thì mỗi ngày 20 cán bộ tiếp dân ở đây phải tiếp khoảng 100 lượt dân khiếu kiện, đến từ mọi miền trên cả nước. Họ giải quyết không xuể số đơn thư của những công dân này.

Theo bài báo vừa kể, thì tình trạng “khiếu kiện vượt cấp” ồ ạt đó có hai nguyên nhân.

Thứ nhất, các địa phương đã không làm tròn trách nhiệm trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, hoặc giải quyết sai luật. Chẳng hạn, khi đoàn thanh tra chính phủ kiểm tra 21 vụ khiếu nại, tố cáo đã qua xử lý ở tỉnh An Giang,  họ phát hiện 12 vụ (chiếm 57%) bị xử lý sai luật. Trong khi đó, ở thành phố Long Xuyên và nhiều huyện khác trong tỉnh, người ta vẫn báo cáo thành tích rằng “3 năm liền không phát sinh đơn tố cáo”. Do các đơn kiện không được địa phương giải quyết thỏa đáng, người dân buộc phải mang đơn đến túc trực ở trung ương.

Thứ hai, bản thân nhiều người đi kiện cũng làm sai luật hoặc vu cáo để trục lợi, khiến tình hình càng phức tạp hơn. Tổng hợp kết quả giải quyết khiếu nại – tố cáo ở 39 địa phương vào năm 2004 cho thấy tỷ lệ đơn tố cáo sai chiếm 35,3%, khiếu nại sai chiếm 50,6%.

Theo thống kê, hơn 80% đơn thư khiếu nại – tố cáo vào thời điểm đó xoay quanh vấn đề đất đai. Do luật pháp có nhiều chỗ không rõ ràng, và quyết định của các cơ quan công quyền đôi lúc mâu thuẫn với nhau, nhiều vụ tranh chấp được xem là không thể giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, cho thới điểm đó, những người đi kiện ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng mới chỉ đấu tranh pháp lý cho quyền lợi của cá nhân họ, chứ chưa đấu tranh chính trị cùng bất cứ lực lượng nào trong phong trào chính trị đối lập ở Việt Nam. Trần Khải Thanh Thủy là người đầu tiên kêu gọi dân oan làm cách mạng lật đổ thể chế.

 

2. Những khuất tất trong quá trình thành lập và điều phối Hội Dân oan Việt Nam

Ngày 9 tháng 12 năm 2006, Trần Khải Thanh Thủy đăng một bài viết dài để tuyên bố thành lập Hội Dân oan Việt Nam (7). Trong bài, bà sử dụng một thứ ngôn ngữ ôn nghèo kể khổ khá dài dòng, cốt để tìm kiếm sự thương hại của độc giả. Ngoài ra, trong bài, bà Thủy cũng tự mô tả mình như một “dân oan”, dù bà không hề theo đuổi vụ kiện nào vào lúc đó.

Cùng ngày, bà Thủy đăng lên mạng một lời kêu gọi cũng dài không kém, trong đó có đoạn sau (9):

“Thay vì hàng trăm, hàng triệu người dân oan Việt Nam phải len lét cúi đầu trong tiếng nấc, mắt lưng tròng lê chân bước đau thương, trên con đường khiếu kiện thăm thẳm mịt mù sẽ là sự vùng lên lật đổ Đảng, xử tội đảng như người dân Ru Ma Ni đã xử tội cặp vợ chồng Ceausescu. Chính chúng tôi, những người dân oan Việt Nam sẽ là ngòi nổ đầu tiên, bắt đầu từ ngày đặc biệt 9-12 này”.

Qua lời kêu gọi này, có thể thấy ngay từ đầu, bà Thủy đã muốn dùng dân oan để lật đổ chế độ, bất chấp cái giá phải trả của những người dân vô can này, thay vì giúp họ giải quyết các vụ việc của họ như đã hứa hẹn.

Tuy nhiên, có nguồn khẳng định rằng ý tưởng thành lập “Hội Dân oan Việt Nam” xuất phát từ một số “dân oan” thật, như Nguyễn Duy Huân ở Tuyên Quang và Nguyễn Thị Huần ở Vĩnh Phú. Khi những người này trao đổi với ông Hoàng Minh Chính về dự định của mình, bà Thủy đã nghe được và nhanh chân lập hội trước họ (4).

Ngoài ra, bà Trần Khải Thanh Thủy cũng tự tiện ghi tên 303 “dân oan” trên cả nước vào danh sách thành viên của Hội Dân oan Việt Nam do bà thành lập và lãnh đạo, dù nhiều người trong số đó chưa hề biết đến, và không hề đăng ký tham gia tổ chức này. Ông Nguyễn Văn Nghiệp ở Đồng Tháp, người từng là cán bộ cấp cao trong hệ thống chính quyền, đã được bà Thủy đưa vào ban lãnh đạo Hội Dân oan Việt Nam, dù ông không hề hay biết. Việc này khiến ông Nghiệp nổi giận và tuyên bố sẽ kiện bà Thủy (4).

Ngày 15 tháng 12 năm 2006, mấy trăm “dân oan” đã cùng ký tên vào một đơn chung để tố cáo Trần Khải Thanh Thủy (1). Lá đơn có tên khá dài: “Toàn dân khiếu kiện Việt Nam tố cáo khẩn cấp gửi các cấp có thẩm quyền TW cùng các thông tin đại chúng trong ngoài nước tố cáo đích danh nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ tại Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội. Tức Trần Khải ma quỷ chuyên dùng ngòi bút xuyên tạc sự thật, nhận đơn thư của dân vu oan giá họa để gửi nước ngoài, lấy tiền vụ lợi phục vụ bản thân gia đình Thuỷ”.

Trong đơn có những đoạn sau:

“Khoảng 9/2005, chúng tôi có thấy xuất hiện một phụ nữ đến tự giới thiệu là nhà văn, nhà báo tên là Trần Khải Thanh Thuỷ và còn cho cả chúng tôi số điện thoại để mời bà con nếu ai muốn viết bài ngay thì sẽ sang tận nhà. Chúng tôi tưởng một phụ nữ lại được ăn học đã trở thành một nhà văn, nhà báo lại cho biết địa chỉ thì nghĩ tưởng đây là người tốt muốn giúp bà con.

Nhưng không ngờ, Thuỷ đã viết nhiều bài của dân chúng tôi mang nội dung vu khống, bịa đặt, buộc án gán tội, dùng những câu từ phản động để chửi Đảng, chính quyền để các cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam nghĩ là những người dân chúng tôi đều có tư tưởng phản động như nữ quỷ này.

Chính cách viết phản động nhằm mục đích tư lợi cho bản thân Thuỷ để Thuỷ gửi đi các tổ chức phản động nước ngoài kiếm tiền bất hợp pháp trên sự đau khổ của những người dân khiếu kiện Việt Nam chúng tôi.

Trong những người dân khiếu kiện bị Thuỷ làm hại, nhục mạ, bôi nhọ danh dự đó là sư nữ Thích Đàm Thoa ở tỉnh Bắc Giang và Đỗ Thị Minh Hằng ở Ô Chợ Dừa, Hà Nội; Hồ Thị Bích Khương ở Nghệ An; Phạm Thị Lộc ở Bắc Giang…”.

“Chúng tôi yêu cầu ngành An ninh cùng cấp cơ quan pháp luật Việt Nam cần phải nghiêm trị, truy tố, xét xử nữ quái Thủy theo đúng luật pháp hình sự về tội vu khống bịa đặt, bôi nhọ danh dự người khác nhất là tội chửi Đảng, chửi chính quyền”.

Sau vụ này, hai “dân oan” dẫn đầu việc tố cáo Trần Khải Thanh Thủy, là Đỗ Thị Minh Hạnh và Thích Đàm Thoa, đã nhiều lần bị bà Thủy cùng chồng gọi điện, viết thư để khủng bố và dọa giết (1)(4).

Có nhiều bằng chứng cho thấy bà Thủy đã thật sự dàn dựng danh sách thành viên của Hội Dân oan Việt Nam. Chẳng hạn, linh mục Nguyễn Văn Lý, một gương mặt đối lập nổi tiếng ở Việt Nam vào thời điểm đó, đã chỉ ra ít nhất 20 cái tên được lặp lại nhiều lần trong danh sách (4). Như vậy, danh sách thành viên của Hội Dân oan Việt Nam đã do bà Thủy dựng lên từ nhiều danh sách nhỏ sẵn có trước đó, chứ không phải do dân oan đăng ký tham gia mà thành. Do việc này, ông Lý đã không quảng bá cho Hội Dân oan Việt Nam, dù ông từng viết thư chúc mừng mọi tổ chức đối lập khác được thành lập trong năm 2006 (4).

Sau khi bị dân oan đâm đơn tố cáo vào ngày 15 tháng 12 năm 2006, bà Thủy đã liên tục chỉnh sửa nội dung bản tuyên bố thành lập và danh sách thành viên của Hội Dân oan Việt Nam, để che giấu hành vi khuất tất của mình. Ban Sáng lập Hội được ghi giảm xuống còn hai người, dù trước đó có sáu. Do phát giác việc này, chính trang VietExodus, một trang mà bà Thủy thường gửi bài, đã phải đặt nghi vấn về độ trung thực của bà.

Theo báo chí chính thống trong nước, thì các hoạt động liên quan đến dân oan của Trần Khải Thanh Thủy chủ yếu được hỗ trợ bởi hai người, là Nguyễn Hải (đảng viên Việt Tân ở Mỹ) và Nguyễn Đức Huần (sống ở Bỉ). Sau này, khi bà Thủy rời đảng Việt Tân, đảng này vẫn là một trong những tổ chức đi đầu trong việc tiếp cận và lợi dụng dân oan, theo đúng mô hình hoạt động mà bà Thủy đã tạo dựng.

 

3. Mô hình tiếp cận và lợi dụng “dân oan” của Trần Khải Thanh Thủy

Như đã đề cập, có thể nói Trần Khải Thanh Thủy là người sáng chế ra mô hình dùng “dân oan” để làm chính trị ở Việt Nam, mà nhiều tổ chức và cá nhân sau này tiếp tục sử dụng. Mô hình này bao gồm bốn phương thức được sử dụng song song:

_ Thứ nhất, bà Thủy tập trung lợi dụng những người đã bị dồn vào bước đường cùng. Khác với những người thưa kiện còn lại ở Việt Nam, những “dân oan” túc trực ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng không còn nơi nào khác để đi ngoài vườn hoa này, và không còn biết đặt hy vọng vào đâu ngoài văn phòng tiếp dân của chính phủ. Trong khi đó, các số liệu đã dẫn ở mục trên cho thấy đây cũng chỉ là một nguồn hi vọng rất mong manh. Vì vậy, có thể nói các “dân oan” ở Mai Xuân Thưởng thuộc nhóm những người Việt Nam vô vọng nhất, dễ tích lũy hận thù nhất và có ít thứ để mất nhất.

Những người dân cùng đường này dễ ngả theo bà Thủy, và lệ thuộc vào bà theo hai hướng. Thứ nhất, họ rất cần những nguồn hỗ trợ về tài chính và truyền thông mà bà Thủy cung cấp, vì chúng giúp họ trang trải sinh hoạt phí và tiếp tục theo đuổi vụ kiện của mình. Thứ hai, họ dễ bị thuyết phục rằng mọi đau khổ mà họ phải gánh chịu đều xuất phát từ hàng ngũ lãnh đạo và thể chế hiện hành, và dễ bị lôi kéo vào những hoạt động chính trị để lật đổ thể chế, một khi họ đã quá cùng quẫn. Sau cùng, đa số “dân oan” đã quay lưng với bà Thủy, vì bà tham nhũng quá nhiều và gian dối quá lộ liễu. Tuy vậy, họ hoàn toàn có thể ngả theo những nhà hoạt động áp dụng cùng phương thức, nhưng lại ăn chia sòng phẳng hơn và biển thủ kín đáo hơn, như các tổ chức lợi dụng “dân oan” ra đời sau thời bà Thủy.

_ Thứ hai, bà Thủy đã dựng lên những công viêc chung, tổ chức chung và mặt trận chung giả tạo giữa hai nhóm người không có chung lợi ích, là các tổ chức chống Cộng ở hải ngoại và “dân oan” trong nước. Trong thực tế, hai nhóm người này có lợi ích và động lực thúc đẩy hoàn toàn khác nhau. Trong khi các tổ chức chống Cộng hải ngoại muốn lật đổ chính quyền, thì “dân oan” chỉ muốn vụ kiện của cá nhân họ được giải quyết thấu đáo. Trong khi các tổ chức chống Cộng hải ngoại được thúc đẩy bởi lòng hận thù đọng lại từ cuộc chiến trong quá khứ, thì “dân oan” chỉ bị thúc đẩy bởi quyền lợi kinh tế đôi khi chính đáng, đôi khi không của cá nhân họ. Vậy mà bất chấp những khác biệt trên, bà Thủy vẫn đưa cả hai nhóm người này vào những hoạt động chung, nhân danh cả việc chống Cộng lẫn việc “bảo vệ công lý”. Khi làm thế, bà đã nói dối cả dư luận lẫn cả hai nhóm người. Kết quả là cả hai nhóm đều hỏng việc. Từ khi xem “dân oan” như một mặt trận chủ lực, các tổ chức chính trị đối lập Việt Nam liên tục bị sa lầy vào những vụ kiện tụng, biểu tình, bắt bớ lẻ tẻ vụn vặt liên quan đến họ, thay vì có viễn kiến xa hơn. Thêm vào đó, đội ngũ “dân oan” chuyển sang làm chính trị cũng khiến phong trào đối lập mang một bộ dạng nhếch nhác, ít học và yếm thế, khiến phong trào không hế lấy được niềm tin của những tầng lớp cao hơn trong xã hội. Trong khi đó, trái với kỳ vọng của họ lúc ban đầu, bất cứ “dân oan” nào dây dính sâu vào các nhóm chống Cộng ở Việt Nam cũng bị chính quyền coi như một mối đe dọa chính trị, và việc này khiến vụ kiện của họ hết hy vọng được giải quyết. Tóm lại, khi móc nối “dân oan” với các tổ chức chống Cộng, bà Thủy tạo ra một tình thế đồng sàng dị mộng, làm cả hai nhóm người đó thất bại và sa lầy. Cuộc hợp tác này rốt cuộc chỉ có lợi cho bà Thủy, vì bà vừa biển thủ được tiền quỹ hỗ trợ “dân oan”, vừa được tiếng là bảo vệ công lý và dân nghèo, vừa hiện diện như một nhà cách mạng có tầm ảnh hưởng trong một bộ phận dân chúng. Tương tự, khi một loạt các tổ chức “hỗ trợ dân oan”, “cứu lấy dân oan” ra đời sau thời bà Thủy, các nhóm này không hề giúp “dân oan” thắng kiện, cũng không hề giúp phong trào đối lập có bước phát triển lớn hơn, nhưng lại giúp các lãnh đạo tổ chức kiếm nhiều khoản tiền và danh tiếng lớn.

_ Thứ ba, bà Thủy đã thao túng cái tôi của “dân oan”. Khi phân tích những ngôn từ dài dòng và cường điệu mà bà Thủy sử dụng trong bản tuyên bố và lời kêu gọi khi thành lập Hội Dân oan Việt Nam, ta có thể thấy chúng được dùng chủ yếu cho hai mục đích. Thứ nhất là hạ nhục dân oan, bằng cách mô tả chi tiết và phóng đại những cảnh khổ nhục mà họ đã trải qua khi chịu thiệt trong vụ kiện, khi sống lang thang ở vườn hoa, hoặc khi đụng độ với chính quyền. Thứ hai là tâng bốc “dân oan”, khi gán cho họ những sứ mệnh và vai trò to tát, như làm một lực lượng được “cả 6 tỉ người trên thế giới cùng dõi theo”, hay làm “ngòi nổ đầu tiên” để thay đổi lịch sử… Cần lưu ý rằng càng bị hạ nhục, người ta càng có nhiều nhu cầu tự hào, nên càng cần tạo dựng một cái tôi chính trị để thay thế cái tôi cá nhân đã bị tổn thương.

_ Thứ tư, bà Thủy đã dùng nhiều phương thức, kể cả “rạch mặt ăn vạ”, để tận dụng lòng thương của những người ủng hộ tài chính cho bà. Chẳng hạn, bà chủ động đẩy “dân oan” thế phải đối đầu với chính quyền, để tăng lượng tiền tài trợ từ nước ngoài, dù việc này sẽ đẩy “dân oan” vào thế cùng đường và bất mãn. Trong một bức thư gửi bà Đỗ Thị Minh Hằng, bà Thủy viết như sau:

“Em viết bài cho ai thì người ấy sẽ bị công an bắt, họ có bị công an bắt, thì ở nước ngoài họ mới cho nhiều tiền”.

Sau thời Trần Khải Thanh Thủy, nhiều cá nhân và hội đoàn đối lập khác tiếp tục ứng dụng mô hình khai thác “dân oan” mà bà Thủy đã phát minh. Họ bao gồm các tổ chức từ thiện, các nhóm truyền thông, các hội luật sư, các tổ chức tôn giáo… Dù sự thiếu trung thực của mô hình đã lộ ra từ thời bà Thủy, vụ bà Thủy nhanh chóng rơi vào quên lãng, và các tổ chức kế thừa bà đã phát triển mạnh trong nhiều năm.

 

III. Gia nhập và từ bỏ đảng Việt Tân

Ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Vì nhu cầu nhượng bộ trong vấn đều nhân quyền để gia nhập WTO không còn, sau sự kiện này, nhà nước Việt Nam bắt đầu thắt chặt việc kiểm soát hoạt động của các hội đoàn đối lập trong nước. Chẳng hạn, ngày 6 tháng 3 năm 2007, họ bắt và khởi tố hai ngôi sao của phong trào đối lập năm 2006 là Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Tuy nhiên, Trần Khải Thanh Thủy không ý thức được thực tế này, và vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống Cộng mà bà đang thực hiện.

Đầu tháng 4 năm 2007, ông Lý Tống – một cựu phi công từng nhiều lần cướp máy bay tại Việt Nam, Mỹ, Thái Lan và Hàn Quốc để rải truyền đơn chống Cộng xuống các nước theo chủ nghĩa Cộng sản – về Mỹ sau khi mãn hạn tù vì tội không tặc ở Thái Lan. Sau các vụ rải truyền đơn của mình, ông Tống đã được những nhóm đối lập người Việt Nam và Cuba xem như một anh hùng chống Cộng. Ngay sau khi ra tù, Lý Tống tặng 5000 USD cho các nhóm đối lập trong nước, để họ tổ chức các hoạt động chống cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII, sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 5 năm 2007. Trong số tiền này, ông Tống dành 1000 USD cho Hội Dân oan Việt Nam của bà Trần Khải Thanh Thủy (2).

Đáp lại tấm lòng của ông Tống, bà Thủy đã viết một thư trả lời có những dòng sau:

“Thành thật, chúng tôi không biết bày tỏ lòng biết ơn của mình tới anh như thế nào, chỉ biết tự hào vì dân tộc Việt Nam đã sinh ra một người con hào hùng, cao đẹp như anh”.

“Anh mãi mãi là người hùng áo vải, người con cao đẹp của giống nòi”.

“Đây là số tiền lớn nhất hội nhận được… để nuôi quân trong các đợt phát động 30-4 và 20-5”.

Kế hoạch của ông Tống và bà Thủy đã không thể thành hiện thực. Không lâu sau, ngày 21 tháng 4 năm 2007, bà Thủy bị bắt và truy tố về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Không lâu sau, trong tháng 5 năm 2007, Văn phòng Tiếp Công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước được chuyển từ số 1 Mai Xuân Thưởng sang một căn nhà tạm ở số 110 Cầu Giấy, trước khi được chuyển xuống Hà Đông (13). Có lẽ khi chuyển văn phòng này ra ngoại thành, chính quyền muốn tránh cảnh “dân oan” mắc lều và biểu tình ở ngay trung tâm thành phố, và gần văn phòng của các cơ quan nhà nước cấp cao nhất, khi đợt bầu cử Quốc hội mới sắp diễn ra. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, “dân oan” thỉnh thoảng vẫn tụ tập biểu tình ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, có lẽ theo hướng dẫn của các tổ chức đối lập liên kết với họ.

Ngày 31 tháng 1 năm 2008, tòa sơ thẩm ra phán quyết rằng bà Trần Khải Thanh Thủy được ra tù ngay trong ngày, dù bà mới chấp hành án được 9 tháng (10). Phán quyết này gây bất ngờ lớn cho các nhóm chống Cộng Việt Nam. Chỉ 5 ngày sau, hôm 5 tháng 2 năm 2008, bà Thủy chính thức gia nhập đảng Việt Tân (11). Tuy nhiên, theo lời bà Thủy trong cuộc phỏng vấn ngày 7 tháng 9 năm 2011 (11), thì bà đã “lọt vào tầm mắt Việt Tân” từ khi bắt đầu viết bài chống Cộng vào năm 2005, và chỉ chính thức gia nhập đảng sau “một thời gian thử thách” về “lòng chung thủy và sự can đảm”. Trong một dịp khác, bà Thủy cho biết ông Nguyễn Thanh Giang, một gương mặt đối lập nổi bật trong nước vào thời điểm đó, là người đã tiến cử bà với ông Nguyễn Hải của đảng Việt Tân. Bà được Việt Tân trả lương 200 USD/tháng (16).

Cũng trong tháng 2 năm 2008, bà Thủy được nhận vào làm cho báo Người Việt, và được hưởng lương 400 USD/tháng (16). Hơn một năm sau, vì bà viết cho các trang của Việt Tân là chính, viết cho báo Người Việt “là phụ, đối phó”, nên khoản lương này giảm xuống còn 200 USD/tháng. Tuy nhiên, bà vẫn được hưởng khoản lương của Người Việt trong 21 tháng ở tù sau thời điểm đó.

Đến ngày 9 tháng 10 năm 2009, Trần Khải Thanh Thủy bị bắt lần thứ hai, lần này vì tội cố ý gây thương tích. Bài tường thuật về vụ việc trên báo Dân trí có đoạn sau:

“Theo hồ sơ từ Công an quận Đống Đa, khoảng 20h30 ngày 8/10, ông Đỗ Bá Tân (chồng bà Trần Khải Thanh Thủy) để xe máy cản lối đi lại tại 178 phố chợ Khâm Thiên (phường Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội). Ông Nguyễn Mạnh Điệp (SN 1968, trú tại ngõ 138 Trung Phụng, Đống Đa) đi qua góp ý và yêu cầu ông Tân dẹp xe để lấy lối đi nên dẫn đến cãi nhau. Ông Tân đã dùng mũ bảo hiểm đập vào mặt ông Điệp.

Cũng theo nguồn tin của công an, bà Trần Khải Thanh Thủy thấy chồng va chạm với ông Điệp trước cửa nhà đã cầm gạch ném trúng gáy ông Điệp gây thương tích. Ông Nguyễn Văn Thịnh đi qua thấy xô xát vào can ngăn cũng bị Thủy dùng gạch ném trúng cánh tay. Tiếp đó, Thủy vào nhà lấy một cây gậy gỗ dài 102cm quay ra vụt vào tay và người ông Điệp, ông Thịnh.

Hồ sơ của công an khẳng định, do bị chấn thương ở đầu, chảy nhiều máu, ông Điệp bị ngất và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đống Đa. Bước đầu, bệnh viện xác định ông Điệp bị chấn động não, phải khâu nhiều mũi ở đầu, hiện vẫn trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi…”

Ngày 5 tháng 2 năm 2010, Trần Khải Thanh Thủy bị xử 3 năm tù rưỡi vì tội “cố ý gây thương tích”. Chỉ 21 tháng sau, vào ngày 23 tháng 6 năm 2011, bà Thủy đã được tha bổng và đưa sang định cư ở Mỹ nhờ sự vận động nhờ sự vận động của Bộ Ngoại giao Mỹ và bà Loretta Sanchez – một dân biểu Mỹ có quan hệ với đảng Việt Tân.

Trả lời phỏng vấn đài RFA, bà Thủy cho biết khi vừa sang Mỹ, bà có cảm giác vừa “đi từ địa ngục đến thiên đường” (14). Ngay sau khi sang Mỹ, bà bắt đầu công khai hóa việc mình là đảng viên Việt Tân, và mở một chiến dịch truyền thông để tâng bốc đảng. Chẳng hạn, cuộc phỏng vấn ngày 7 tháng 9 năm 2011 của bà có đoạn sau (11):

Hỏi: “Bây giờ, nếu có đảng phái khác mời chị, liệu chị có tham gia  không?”

Đáp: “Chắc chắn  là không, vì tôi coi như mình là gái đã có chồng, như câu ca dao người Việt mình vẫn nói:

“Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh chẳng  hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng,

Như chim vào lồng, như cá cắn câu” …

Chính Việt Tân là người “bảo lãnh” tôi ra khỏi tù cộng sản, qua các “bà đỡ” cao quý là chính phủ Mỹ, nên tôi không “ngoại tình” cũng chẳng dại dột “phụ tình” đâu”.

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân giữa bà Thủy và đảng Việt Tân đã không kéo dài như lời hứa hẹn của bà. Khoảng đầu tháng 1 năm 2014, Trần Khải Thanh Thủy bỏ đảng Việt Tân, và mở một chiến dịch truyền thông để đả kích đảng này thậm tệ.

Khi trả lời phỏng vấn, Thủy cho biết bà bỏ đảng vì một lý do rất “đời thường” (15). Cụ thể, ngày 11 tháng 7 năm 2011, bà Trần Diệu Chân, vợ Tổng Bí thư đảng Việt Tân là Lý Thái Hùng, đã chở bà Thủy đi mua quần áo giảm giá. Đúng lúc đó, con gái bà Trần Diệu Chân gọi điện cho bà để hỏi vay 200 USD, và hứa sẽ trả khi nhận học bổng vào đầu tháng 8. Bà Chân không mang theo tiền, nên vay bà Thủy 200 USD để gửi cho con gái. Tuy nhiên, vì bà Chân không trả tiền đúng hạn, hồi tháng 5 năm 2012, bà Thủy đem chuyện này kể cho bà Mai Hương. Do bà Mai Hương tiếp tục buôn chuyện, câu chuyện đến tai bà Diệu Chân, và khiến bà Chân “trù dập” bà Thủy. Bà Chân viết một giấy báo nợ, theo đó bà Thủy nợ đảng Việt Tân hơn 1000 USD. Bà Thủy từ chối trả các khoản này, với lý do bà không tiêu các khoản đó cho bản thân, mà dùng chúng khi đi “công tác” cho đảng. Sau đó, bà Chân tiếp tục báo cáo với chính phủ Mỹ rằng bà Thủy không còn làm việc cho đài Tiếng nói Nước tôi, khiến chính phủ cắt hơn 400 USD tiền trợ cấp cho bà Thủy. Ngoài ra, Việt Tân cũng từ chối trả lương cho bà Thủy, dù chỉ là mức lương 300 USD/tháng như bà được nhận hồi còn ở trong nước. Kết quả là bà Thủy bỏ đảng, và viết một bài dài tới 250 trang mang tên “Để ngỏ” để kể tội Việt Tân.

Trong các bài kể tội, bà Thủy cho biết vùng Sacramento có 30.000 người Mỹ gốc Việt, thì chỉ có 5 đảng viên Việt Tân, và 5 đảng viên này lại chia thành những 3 phe (16). Hai đảng viên nữ là Diễm Hương và Diệu Chân “ghét nhau như đào đất đổ đi”, và xúm vào bắt nạt “ma mới” là bà Thủy (15). Ngoài ra, bà cũng cho biết ông Nguyễn Hải, người từng phụ trách bà, đã bỏ đảng Việt Tân từ trước thời điểm đó (17).

Đáp lại, ông Hoàng Cơ Định cho phát tán một bức thư riêng của ông, trong đó ông kín đáo gọi Trần Khải Thanh Thủy là “thành phần canh me, hôi của” (18). Còn bà Trần Diệu Chân tung ra một “bản lên tiếng”, trong đó bà không nhắc gì đến chuyện nợ tiền và trù dập mà bà Thủy khơi ra, mà chỉ tập trung ca ngợi đạo đức và lý tưởng của đảng Việt Tân, đồng thời trích một truyện kể Phật giáo được linh mục Đặng Hữu Nam đưa vào bài giảng trên Internet (19).

Giả Nhân

Chú thích:

(1) http://cand.com.vn/Ban-tin-113/Tran-Khai-Thanh-Thuy-Suy-doi-dao-duc-lam-tay-sai-cho-phan-dong-luu-vong-40432/

(2) http://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/Tran-Khai-Thanh-Thuy-va-con-duong-pham-toi-287743/

(3) http://www.trelangblog.com/2014/01/nong-tran-khai-thanh-thuy-chui-viet-tan.html

(4) https://thienhasu.com/2011/07/12/tktt-va-h%E1%BB%99i-dan-oan-vn-r%E1%BB%9Fm/

(5) https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tran-khai-thanh-thuy-ke-bat-man-khoac-ao-dan-chu-186106.htm

(6) https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/bat-nguoi-am-muu-kich-dong-tong-noi-day-dip-apec-2084231.html

(7) https://vietbao.com/a66123/tuyen-bo-thanh-lap-hoi-dan-oan-vn

(8) http://www.nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/3446802-.html

(9) http://tkthanhthuy.blogspot.com/2007/04/cc-bn-hy-tip-sc-cho-hi-dn-oan-chng-ti.html

(10) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Writer_TranKhaiThanhThuy_was_set_free_today_VHung-20080131.html

(11) http://diendanctm.blogspot.com/2011/09/tran-khai-thanh-thuy-noi-mot-lan-cho.html

(12) http://dantri.com.vn/xa-hoi/ba-tran-khai-thanh-thuy-bi-bat-ve-toi-co-y-gay-thuong-tich-1255316658.htm

(13) http://bitmieng.blogspot.com/2007/07/h-ni-tnh-hnh-b-con-khiu-kin-sau-khi-tr.html

(14) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tktt-arrived-san-francisco-vh-06242011191805.html

(15) http://nguyentandung.org/vi-sao-nha-van-tran-khai-thanh-thuy-roi-bo-dang-viet-tan.html

(16) http://googletienlang2014.blogspot.com/2014/01/tran-khai-thanh-thuy-chui.html

(17) https://www.facebook.com/khaithanhthuy.tran/posts/306239966223928

(18) http://www.nguoicondatme.org/2014/01/6-nam-cuu-mang-tran-khai-thanh-thuy.html

(19) https://nhatbaovanhoa.com/a1658/tran-dieu-chan-len-tieng-ve-tran-khai-thanh-thuy-va-bao-hai-van

 

 

Leave a comment